Mặc dù đã khoan giếng sâu bình quân 20 mét, nước sinh hoạt của các hộ dân thôn Trần Phú, xã Kỳ Hưng vẫn bị nhiễm phèn và mặn
Nằm trong vùng gần đê, thường xuyên bị ngập mặn vào mùa mưa lũ, không chỉ khó khăn về phát triển sản xuất, gia đình ông Phạm Đình Toản (thôn Trần Phú) còn phải thường xuyên đối mặt với sự bất tiện do thiếu nước sạch sinh hoạt.
Đặc biệt, sự cố triều cường gây tràn tuyến đê Hoàng Đình do cơn bão số 10 (năm 2017) đã làm toàn bộ đất vườn nhà ông Toản cũng như hàng trăm hộ dân, chủ yếu là 2 thôn Hưng Phú và Trần Phú bị nhiễm mặn nặng nề. Nguồn nước sinh hoạt, theo đó cũng không còn đảm bảo cho hơn 250 hộ với khoảng 1.200 dân của các thôn nằm sát đê sử dụng.
Để có nguồn nước sử dụng cho gia đình, ông Phạm Đình Toản và nhiều người dân ở đây đã phải thuê thợ khoan giếng lấy nước sâu hơn 20m và xây bể lọc để lọc nước, tuy nhiên nước vẫn có vị nhờ nhợ của muối và mùi hôi tanh của phèn.
Hằng ngày, vợ chồng ông Toản phải sử dụng nguồn nước ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo chất lượng do bị nhiễm mặn nặng nề
“Không còn cách gì khác nên đành phải chịu, chứ sử dụng nguồn nước từ giếng khoan này không chỉ khó chịu mà thực sự rất đáng lo về chất lượng nước. Chúng tôi già rồi, dùng riết cũng quen nhưng lo cho bọn trẻ, cứ sử dụng thường xuyên và lâu dài nguồn nước như thế này, không biết rồi sẽ ra sao” - ông Toản chán nản nói.
Riêng chi phí cho cây lọc nước, hàng tháng gia đình ông Việt đã phải bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để thay lõi lọc
Cũng tại thôn Trần Phú, do không sử dụng giếng khoan nên ngoài việc xây hệ thống bể lọc nước khá quy mô, gia đình ông Nguyễn Quốc Việt còn sắm cả cây lọc nước để có nước sạch. Mặc dù đã lọc qua hệ thống bể lọc xi măng nhưng mỗi tháng ông Việt cũng phải thay 2 - 3 lần các lõi lọc của hệ thống lọc nước tinh khiết.
“Không có nước sạch, chúng tôi sử dụng nước vừa không đảm bảo chất lượng lại vừa rất tốn kém. Chưa kể kinh phí xây lắp hệ thống bể lọc bằng xi măng, riêng chi phí cho cây lọc nước hàng tháng cũng đã mất hàng trăm ngàn đồng” - ông Việt cho biết.
Ở xã Kỳ Hưng, hầu như gia đình nào cũng phải đầu tư đầy đủ cả giếng khoan, máy bơm, hệ thống lọc nước bằng bể xi măng và cây lọc nước tinh khiết...
Sau sự cố ngập mặn do cơn bão số 10 năm 2017, tình trạng đất đai, nguồn nước bị nhiễm mặn ở Kỳ Hưng càng có xu hướng lan rộng. Ban đầu chỉ có 256 hộ dân ở 2 thôn cạnh đê là Hưng Phú và Trần Phú bị ảnh hưởng, sau hơn một năm, đã có thêm hàng trăm hộ dân tại các thôn khác cũng bị nhiễm mặn nguồn nước ở các mức độ khác nhau.
Có nhà máy nước hoạt động trên địa bàn nhưng người dân xã Kỳ Hưng vẫn không được sử dụng nước sạch
Điều đáng nói là, ngay trên địa bàn xã Kỳ Hưng, có 1 nhà máy nước phục vụ nước sạch cho các địa phương ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh nhưng riêng xã này vẫn chưa có hộ dân nào được sử dụng nước sạch. Được biết, rất nhiều lần chính quyền và người dân xã Kỳ Hưng có kiến nghị nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là việc thiếu kinh phí xây dựng hệ thống dẫn nước nên nguyện vọng này vẫn chưa được thực hiện.
“Sống cạnh nhà máy nước mà không có nước sạch sinh hoạt, đây là vấn đề “nóng” nhất của địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là trong khoảng 1 năm trở lại đây. Cấp ủy, chính quyền xã luôn đau đầu với câu hỏi của dân là khi nào thì có nước sạch sử dụng… Câu trả lời này nằm ngoài khả năng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Rất mong cấp trên quan tâm và sớm có giải pháp để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và đề xuất chính đáng của người dân” - ông Nguyễn Đình Tài, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng chia sẻ.