Hai sai lầm của cha mẹ khi cho trẻ ăn
Theo PGS. Hà, sai lầm thứ nhất là cách lựa chọn thực phẩm cho bé. Về thực phẩm lựa chọn cho em bé nếu chia nhỏ nhóm thực phẩm thì gồm 8 nhóm chính, nhưng nếu chia theo nhóm lớn thì người ta chia thành hai nhánh chính là chất bột đường, đạm, mỡ và vitamin khoáng chất.
Có nhiều ông bố bà mẹ lại tập trung chế độ ăn quá nhiều chất đạm giàu chất béo, vì cho rằng trẻ cần ăn nhiều chất đạm mới thông minh. Nhưng họ lại không biết rằng nếu trẻ ăn quá nhiều đạm, đường thì nguy cơ sau này trẻ có thể trẻ sẽ nhiều bệnh như tổn thương thận, tiểu đường, các bệnh không lây nhiễm…
Ngược lại, có ông bố bà mẹ lại ít cho con ăn chất đạm, đường mà chủ yếu tập trung vào ăn rau củ quả vitamin. Trẻ không được ăn chất bột, đạm thì không có năng lượng cho sự tăng trưởng và phát triển của bé. Vì cơ thể của bé trong giai đoạn phát triển đòi hỏi phải nhiều năng lượng cho sự tăng trưởng. Sự không cân đối trong khẩu phần ăn như vậy sẽ không đảm bảo được sự phát triển bình thường của các em bé, cũng như có thể gây ra các bệnh lý trong lâm sàng.
Về sai lầm thứ hai, PGS. Hà chỉ ra là trong cách chăm con của bố mẹ đó là, cho trẻ ăn quá muộn. Nhiều cha mẹ quan niệm không cần cho ăn sớm vì sợ ảnh hưởng đến dạ dày của trẻ, cho nên có người đến 9 tháng thậm chí 12 tháng mới cho trẻ ăn chất bột, đạm. Họ không hiểu cho ăn muộn như vậy em bé sẽ không đủ năng lượng để phát triển vì năng lượng từ sữa mẹ hay sữa nói chung từ 6 tháng không còn đủ để cho em bé phát triển nữa. Không những thế, cho ăn muộn vừa ảnh hưởng đến vị giác, tiêu hóa của em bé.
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương
Ngược lại, một số ít cha mẹ lại cho con ăn quá sớm khi trẻ mới 4 tháng tuổi, vì họ quan nhiệm sữa mẹ hay sữa công thức là thức ăn lỏng trẻ sẽ không no bụng dễ đói và do đó hay cáu gắt do đó phải cho trẻ ăn chất tinh bột từ sớm để bé “chắc dạ”. Thế nhưng, họ lại không hiểu rằng, việc cho ăn sớm như vậy ảnh hưởng đến tiết sữa của mẹ và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ. Vì ở thời điểm trẻ dưới 6 tháng tuổi, chức năng đường tiêu hóa chưa ổn định để nó có thể tiêu hóa được những chất đạm, đường đưa vào.
Ngoài ra, chúng ta tạo thói quen ăn uống sai lầm cho em bé ví dụ như cho ăn lúc ngủ, cho ăn có nhiều đồ chơi, khi đó bé không tập trung vào chế độ ăn và không có thói quen ăn uống tốt ảnh hưởng đến sau này.
Vì sao con lười ăn, biếng ăn?
PGS. Hà cũng thông tin thêm, về độ thô của thức ăn phụ thuốc theo lứa tuổi của bé, ở giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi mầm răng đang kích thích thì việc ăn thức ăn dạng lỏng rất phù hợp, sau giai đoạn 6 tháng tuổi thì bé ăn bổ sung bé nên được chuyển sang thức ăn đặc. Thức ăn đặc đầu tiên là bột nghiền nhỏ, các chất đạm như thịt, cá, cũng nghiền nhỏ. Tuy nhiên, sau giai đoạn này mầm răng phát triển kích thích cái phản xạ nhai của đứa bé, nên lúc này mà vẫn nghiền nhỏ như thế thì sẽ không tốt cho em bé.
Bởi lúc này phản xạ nhai của trẻ đã có nên cho ăn thô hơn để kích thích miệng tiết ra các dịch của nước bọt để tiêu thức ăn. Dịch ấy được nhai nhuyễn đi xuống thực quản, dạ dày, nó được các ống tiêu hóa tiết ra. Vì thế nếu mà tất cả các thức ăn mình nghiền nhỏ thì nó thay đổi hình dạng, nó thay đổi dịch tiết ống tiêu hóa của em bé.
Từ đó, gây ra hệ lụy là càng lớn lên cái động tác nhai của bé không thành thạo, không được rèn luyện nó sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của em bé. Đấy là căn nguyên dẫn đến tình trạng biếng ăn, lười ăn, từ chối ăn và rồi khi ăn thức ăn gợn hơn thì bé lại ọe, nôn bố mẹ nhìn thế lại sợ lại nghiền nhỏ, lại xay và cứ như vậy đi theo vòng luẩn quẩn khiến cả gia đình cùng khủng hoảng về chuyện ăn uống.
“Cách mà bà mẹ nuôi dưỡng đứa bé như thế nào sẽ tạo nên thói quen ăn uống cho các em bé sau này. Nếu cho em bé ăn quá sớm khi đó các enzym tiêu hóa chưa phát triển, răng chưa đủ, đường ruột chưa ổn định thức ăn vào cơ thể sẽ khiến cơ thể trẻ quá tải vì thức ăn không tiêu hóa được. Và vì không tiêu hóa được nên thức ăn sẽ bị đào thải ra ngoài và nó gây rối loạn đường ruột. Từ đó, dẫn đến triệu chứng trên đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Khi bé ăn không tiêu hóa được thức ăn nó làm chậm sự lưu thông của ruột, nó làm cho bữa ăn của trẻ cách xa và làm cho bé lười ăn.
Một vấn đề nữa là những thức ăn mà quá nhiều tinh bột như vậy thì nó ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi và nó gây ra vấn đề trên hệ xương của trẻ. Còn nếu cho trẻ ăn muộn thì bé thiếu chất đạm, đường, béo để cơ thể phát triển, bé sẽ thiếu yếu tố vi lượng cơ thể mình cần trẻ không chỉ bị ảnh hưởng đến hệ miễn dịch mà còn ảnh hưởng đến tầm vóc và toàn trạng của trẻ”, PGS. Hà nói.
Theo đó, trẻ nên được ăn dặm đúng độ tuổi, đúng nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng để được phát triển toàn diện và tạo thói quen ăn uống tốt cho trẻ sau này.