Cơ ngơi rộng rãi của gia đình CCB Phan Công Thi nổi bật giữa vùng đồi thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa.
Nằm ẩn sâu trong những đồi keo xanh ngút mắt, cơ ngơi bề thế của gia đình cựu chiến binh (CCB) Phan Công Thi là điểm nhấn độc đáo. Ước tính, tổng giá trị khối tài sản của gia đình ông hơn chục tỷ đồng. Đó là thành quả của quá trình rèn luyện ý chí trong quân ngũ và tình yêu quê hương, kiên cường vươn lên khi về lại giữa đời thường.
Ông Thi tham gia chống Mỹ cuối năm 1972, nhập ngũ tại Đại đội C16, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân khu 4. Đến tháng 4/1975, ông tham gia chiến đấu ở trận đánh cửa ngõ Xuân Lộc rồi bị thương nặng ở tay và đầu, được chuyển về tuyến sau. Hòa bình lập lại, ông chuyển công tác đến Trường Sỹ quan Lục quân 2. Năm 1984, ông trở về quê với vết thương ở tay, thương tật 41%, hạng 4/4, hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam.
Theo lời dạy của Bác Hồ - “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Thi luôn trăn trở tìm cách xây dựng kinh tế. Được bố mẹ để lại cho 5 ha vườn đồi ở thôn Hoa Sơn, năm 1990, ông Thi cùng vợ con chuyển đến dựng nhà, khai hoang lập nghiệp.
Chân dung CCB Phan Công Thi.
Ông Thi bộc bạch: “Thời điểm tôi xuất ngũ, đất nước còn khó khăn, tôi lấy vợ rồi sinh liền 7 người con nên kinh tế gia đình cũng rất khó khăn. Thêm vào đó, sức khỏe của tôi yếu do ảnh hưởng bởi nhiều vết thương nên rất khó tìm việc làm phù hợp. Sẵn có đất cha mẹ để lại, tôi bàn với vợ cải tạo vùng đất đồi, trồng cây phát triển kinh tế. Ban đầu vợ tôi không đồng ý, song tôi thuyết phục mãi, bà cũng nhất trí".
Sau bao năm miệt mai “chinh phục” đồi hoang, mô hình kinh tế của CCB Phan Công Thi đã cho “trái ngọt”.
Vùng đồi núi thôn Hoa Sơn rất dốc, nhiều tảng đá lớn. Từ bao đời nay, người dân không dám nghĩ tới chuyện trồng cây, làm kinh tế. Nếu không cải tạo thì muôn đời vẫn chỉ là đồi núi khô cằn. Nhiều người nghe chuyện ông Thi khai hoang, vỡ đất cũng khuyên can vì không tin ông có thể thành công. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, CCB Phan Công Thi vẫn kiên trì từng ngày “chinh phục” đồi hoang.
Địa hình đồi dốc, hoang sơ, thời điểm đầu máy móc nhiều khi không thể vào để hỗ trợ việc cải tạo, có lúc ông Thi phải cột dây vào từng tảng đá lớn dùng trâu kéo rồi dùng sức người để san ủi. Ông nghiên cứu kỹ đặc điểm từng khoảnh đất và quy hoạch từng vùng để cải tạo trồng cây ngắn ngày nhằm “lấy ngắn nuôi dài”…
Hơn 1 ha ao nuôi các loại cá đã tăng thêm lợi nhuận kinh tế cho gia đình ông.
Cứ thế, không chỉ khai hoang trên 5 ha sẵn có, ông còn xin cấp thêm 30 ha để xây dựng mô hình nông lâm kết hợp. Để có thể rút ngắn thời gian xây dựng mô hình, ông Thi đã tự mày mò tìm hiểu cách làm và đi đến các huyện khác học mô hình trang trại nông lâm kết hợp, tích lũy thêm kiến thức.
Có đất, có cách làm rồi nhưng vốn không có, ông Thi làm hồ sơ gửi lên chính quyền vay theo diện ưu đãi, kết quả, ông được duyệt cho vay 50 triệu đồng. Chừng đó cũng không đủ nên ông vay thêm anh em, bạn bè.
Kể lại quá trình gian nan đã qua, ông Thi bộc bạch: “Nói thì dễ, làm mới khó, thời gian đầu tôi loay hoay tìm loại cây - con phù hợp với thổ nhưỡng mất rất nhiều thời gian và tiền của. Ban đầu, tôi trồng cây ăn quả, bạch đàn, nuôi lợn nhưng không ăn thua dẫn đến nợ chồng nợ. Bao nhiêu tiền của, mồ hôi đổ vào trang trại, nhiều lúc tôi định bỏ cuộc nhưng nghĩ tới những kỳ vọng ngày khởi nghiệp, những gian khó mình nếm trải, tôi lại tiếp tục tay trắng làm lại”.
Đàn trâu gần 50 con, nuôi gần 2 năm bán giá từ 25 - 30 triệu/con cũng tăng thu nhập cho trang trại của ông.
Và sỏi đá đã không phụ sự cần cù, mồ hôi nước mắt của vợ chồng người cựu chiến binh. Vùng đồi cằn cỗi ngày nào nay đã được phủ xanh bằng 30 ha rừng, vườn ao chuồng (21 ha trồng keo). Với diện tích keo cứ sau 4-5 năm thu hoạch, bán luân phiên mỗi lứa, ông Thi thu vài trăm triệu đồng.
Ngoài trồng keo, ông Thi đào ao rộng hơn 1 ha thả hơn 1 tấn cá leo, cá chép, cá rô phi, trồng thêm cây cảnh bán để có tiền “lấy ngắn nuôi dài”. Bên cạnh đó là đàn trâu gần 50 con đã nuôi gần 2 năm có giá bán từ 25-30 triệu đồng/con cũng tăng thu nhập cho trang trại của ông.
Gia đình ông còn nhận thêm đất rừng, trồng hơn 21 ha keo...
Ông Thi chia sẻ: “Từ năm 2003, trang trại bắt đầu sinh lời. Trung bình một năm, sau khi trừ chi phí, tôi lời khoảng gần1 tỷ đồng từ tiền bán cây keo, trâu, cá, cây cảnh... Hiện, những khoản nợ vay ngày xưa đã trả hết, vợ chồng tôi cùng con trai út làm nhà ở tại trang trại. Chúng tôi cũng đã có vốn để mạnh dạn đầu tư thêm để phát triển kinh tế. Gần đây, gia đình tôi còn đầu tư trồng hơn 2.000 cây mai cảnh Kỳ Nam, khoảng vài năm nữa sẽ đủ điều kiện xuất bán".
Vườn mai cảnh hơn 2.000 gốc đã phát triển tốt hứa hẹn cho thu nhập cao trong thời gian tới. Trong ảnh: Lãnh đạo xã Kỳ Hoa tham quan mô hình của CCB Phan Công Thi.
Ông Thi là một CCB chịu khó, dám nghĩ, dám làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Ông còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm trang trại cho các hộ dân khác trên địa bàn, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong cung ứng giống, tư vấn khoa học - kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế; luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Ông Thi là một cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế vườn đồi của địa phương.