Đại diện CHINA ECOTEK Việt Nam ở Hà Tĩnh trình bày sự việc với PV Báo Hà Tĩnh (ngoài cùng bên trái)
Thủ đoạn… “đội lốt” !
Theo đơn tố cáo của anh Trần Ngọc Phương - Giám đốc Công ty TNHH 36 miền Trung (TX Kỳ Anh), vào ngày 20/7/2017, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số 0985308xxx của một người xưng tên Chi ở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Hà Tĩnh) yêu cầu công ty mua 2 cuốn sách về PCCC với giá trị trên 1 triệu đồng và dọa "nếu không mua sách thì sẽ về kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy".
Nghi ngờ bị lừa đảo, anh Phương đã gọi ra Phòng cảnh sát PCCC&CHCN để xác minh thì được biết đơn vị này không hề có chủ trương bán sách, không có kế hoạch kiểm tra, không có người nào như mô tả giọng nói và số điện thoại đã gọi cho anh Phương.
Đơn tố cáo của Công ty TNHH 36 miền Trung
Trước đó, anh Nguyễn Đình Tám - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư miền Trung (TX Kỳ Anh) cũng “vấp” phải cuộc gọi như trên và đã đồng ý mua sách. Sau khi đã mua sách về PCCC, vài ngày sau anh lại nhận được một cuộc điện thoại xưng là người của BHXH Hà Tĩnh, đề nghị mua sách về BHXH và cũng bị dọa "nếu không mua sách sẽ về kiểm tra tại đơn vị". Đến lúc này, anh Tám mới nghi ngờ bị lừa nên từ chối mua sách.
Theo trình báo của đại diện Công ty CHINA ECOTEK Việt Nam tại Hà Tĩnh (trụ sở đóng tại Khu trung tâm thương mại đa ngành nghề Lợi Châu, phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh), vào ngày 20/7/2017, họ cũng đã nhận được cuộc điện thoại xưng là người của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Tĩnh, dọa ép mua sách nếu không sẽ tiến hành kiểm tra, buộc họ phải mua 2 cuốn sách với giá hơn 1 triệu đồng.
2 ngày sau, đại diện công ty lại tiếp tục nhận được một cuộc gọi điện thoại khác, xưng danh là người của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cũng với chiêu bài cũ và lại phải tiếp tục mua 2 cuốn sách với giá gần 1 triệu đồng.
Gần 1 tuần sau, đại diện công ty tiếp tục nhận được cuộc gọi điện thoại xưng danh là người của BHXH Hà Tĩnh và cũng với chiêu bài không có gì mới. Đến lúc này, người của CHINA ECOTEK Việt Nam tại Hà Tĩnh mới nghi ngờ bị lừa và dừng không mua sách nữa.
Làm việc với phóng viên, lãnh đạo các đơn vị liên quan đều khẳng định "không có việc cơ quan tổ chức bán sách chuyên ngành, chuyên môn, cũng như không có kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp".
Trung tá Võ Đăng Khoa - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Hà Tĩnh) cho biết thêm: Những kẻ lừa đảo thường tìm hiểu thông tin các doanh nghiệp qua mạng Internet, sau đó gửi sách cần bán kèm một bộ hồ sơ theo dõi quản lý hoạt động phòng cháy, yêu cầu cơ sở phải điền vào mang ra nộp cho cơ quan Cảnh sát PCCC nên dễ “qua mặt” các doanh nghiệp.
Cũng theo Trung tá Khoa, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 20 - 30 doanh nghiệp đã “dính” bẫy hình thức lừa đảo này (do có nhiều doanh nghiệp không biết hoặc không trình báo việc bị lừa đảo).
Truy tìm nguồn gốc các vận đơn
Theo trình bày của các bị hại và băng ghi âm, cho thấy các cuộc điện thoại mạo danh cơ quan nhà nước gọi đến cho các doanh nghiệp để dọa, ép mua sách đều là giọng nữ, ở ngoại tỉnh. Việc mua bán sách được thực hiện theo hình thức: người bán gửi hàng qua bưu điện, người nhận kiểm tra hàng rồi trả tiền cho người bán qua nhân viên vận chuyển hàng (nhân viên vận chuyển hàng thu hộ người bán).
2 trong số nhiều vận đơn mà kẻ lừa đảo đã dùng để chuyển cho các doanh nghiệp khi ép mua sách
So sánh vận đơn hợp lệ của Bưu cục Kỳ Anh (phía trên, có dấu) và vận đơn mà bọn lừa đảo chuyển cho các doanh nghiệp khi bán sáchdẽ dàng thấy sự khác biệt
Tuy nhiên, khi mang những tờ vận đơn mà các doanh nghiệp mua sách cung cấp để làm việc với Bưu điện huyện Kỳ Anh, Bưu cục Viettel tại Kỳ Anh, chúng tôi đều nhận được câu trả lời "những vận đơn này đều có dấu hiệu bất minh, bởi lẽ theo quy định, các vận đơn đều phải được đóng dấu của bưu cục phát (nơi đi) và bưu cục chấp nhận (nơi tiếp nhận, ngày tiếp nhận hàng hóa gửi đến), dấu COD (xác nhận bưu cục đã thu tiền của khách hàng) nhưng các tờ vận đơn mà doanh nghiệp nhận được khi mua sách đều không được đóng bất kỳ một loại dấu nào"!
Làm việc với Bưu điện Hà Tĩnh, phóng viên nhận được câu trả lời "những vận đơn trên đều xuất phát từ một bưu cục của tỉnh Thanh Hóa; có tên người gửi, ngày phát hành, số hiệu bưu cục cụ thể. “Điều này đồng nghĩa với việc tiền bán sách sẽ được chuyển về bưu cục này để bưu cục này chuyển tiền cho người gửi. Những vận đơn này có thể do Bưu điện tỉnh Thanh Hóa cung cấp trước cho khách hàng…”, bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Bưu điện Hà Tĩnh nhận định.
Vậy là đã rõ, việc mạo danh các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh để dọa, ép (thực chất là lừa đảo, trục lợi) các doanh nghiệp mua sách không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan công quyền mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Xin được mượn lời của bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện CHINA ECOTEK Việt Nam ở Hà Tĩnh tại buổi làm việc với chúng tôi để kết thúc bài viết: “Chúng tôi luôn ý thức cao trong việc chấp hành các quy định của luật pháp . Tuy nhiên, việc mạo danh cơ quan nhà nước để lừa đảo doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới chân ướt, chân ráo vào làm ăn là điều khó có thể chấp nhận. Mong các cơ quan chức năng Hà Tĩnh sớm làm rõ, xử lý đích đáng những kẻ lừa đảo…”.