Nhà ông N.V.C (thị trấn Lộc Hà) cách đường ống chung chỉ 8m nhưng sau nhiều lần hoàn thành các loại giấy tờ, thủ tục trong một thời gian dài, thậm chí đã nộp tiền trước nhưng vẫn chưa được đấu nối để sử dụng.
Theo phản ánh của ông N.V.C ở tổ dân phố Khánh Yên (thị trấn Lộc Hà), gia đình ông chuyển nhà về quê sinh sống đã lâu. Nhu cầu nước sạch sinh hoạt là rất bức thiết, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Do đó, ông C. đã nhiều lần đi lại để hoàn thành các loại giấy tờ, làm thủ tục đăng ký cách đây hơn 3 tháng; nhiều lần gọi điện thoại, thậm chí đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính... nhưng đến nay vẫn không có nước máy để dùng, dù đường ống chung của tổ dân phố chỉ cách nhà 8m.
Ông N.V.C bức xúc: “Sau nhiều lần đề xuất, cách đây 9 ngày phía nhà máy nước đã thu của tôi 2,5 triệu đồng để đấu nối đường ống. Thế nhưng, sau khi thu tiền thì họ hết hẹn lần này sang lần khác mà không thực hiện...”.
Theo quy định, khi đấu nối và nghiệm thu xong thì Trạm Cấp nước Lộc Hà mới thu tiền, nhưng ông N.V.C đã nộp tiền 9 ngày mà vẫn chưa được đấu nối, cấp nước.
Tương tự, anh N.V.T cùng ở tổ dân phố Khánh Yên đến giờ vẫn chưa hết bức xúc khi thủ tục đấu nối cấp nước sạch quá rườm rà, nguyện vọng sử dụng nước sạch chính đáng của gia đình không được giải quyết kịp thời. Sự chậm trễ của Trạm Cấp nước Lộc Hà khiến anh T. đã phải nhờ người bắt “chui” để có nước sạch dùng.
Ngoài 2 trường hợp trên thì trong thời gian vừa qua, rất nhiều cử tri ở thị trấn Lộc Hà, Thạch Kim, Thịnh Lộc… có ý kiến phản ánh, kiến nghị liên quan đến nước sạch, trong đó có việc đấu nối cho khách hàng mới. Trước bức xúc của cử tri, Văn phòng HĐND-UBND huyện Lộc Hà đã tập hợp ý kiến (gửi đến kỳ họp cuối năm 2020) để các đơn vị chức năng và Trạm Cấp nước Lộc Hà trả lời, chấn chỉnh.
Thế nhưng, tình trạng này vẫn không được cải thiện, cử tri tiếp tục bức xúc nên mới đây vấn đề này đã được các vị đại biểu HĐND huyện chất vấn trong kỳ họp giữa năm 2021.
Những vấn đề liên quan đến nước sạch khiến cử tri bức xúc, buộc HĐND huyện Lộc Hà phải yêu cầu làm rõ, thậm chí lựa chọn làm vấn đề chất vấn trong kỳ họp giữa năm 2021.
Trước bức xúc của người dân, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Đình Quân (cán bộ phụ trách Trạm Cấp nước Lộc Hà) để trao đổi về các vấn đề có liên quan. Ban đầu, ông Quân hứa gặp gỡ cung cấp những thông tin mà bà con bức xúc.
Tuy nhiên, sau đó ông này lại liên tục “nại” ra các lý do như: “Tôi đã chuyển công tác sang địa phương khác”, “Tôi phải “tháp tùng” lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra”, “Tôi không cung cấp thông tin của đơn vị cho anh được”… Và cuối cùng vị này nói: “Anh đừng gọi cho tôi nữa, tôi sẽ không nghe máy đâu”...
Trạm Cấp nước Lộc Hà.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Đăng - Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Hà Tĩnh (phụ trách địa bàn Lộc Hà) thừa nhận có việc chậm trễ trong đấu nối và một số thời điểm cán bộ thiếu khéo léo, tế nhị với khách hàng. Nguyên nhân của sự chậm trễ được ông Đăng đưa ra là: “Khối lượng công việc nhiều, thời tiết nắng nóng, đường ống nằm dưới các tuyến đường bê tông phải cắt đục nhiều. Ngoài ra, trong quá trình giao dịch đã xẩy ra một số hiện tượng quên, thất lạc đơn... nên chậm”.
Ông Nguyễn Hải Đăng cũng khẳng định, khi người dân có nhu cầu thì trung tâm phải tập trung đấu nối ngay (nhanh là từ 5-10 ngày, lâu nhất là khoảng 20 ngày) không được để chậm hơn; việc thu kinh phí chỉ được thực hiệc sau khi đấu nối và nghiệm thu. Nếu để lâu, thu kinh phí trước (như trường hợp ông N.V.C) là sai quy trình, quy định.
Thiết nghĩ, Trạm Cấp nước Lộc Hà cần sớm chấn chỉnh những bất cập, sai sót nêu trên, nêu cao tinh thần phục vụ; giải thích, trao đổi với khách hàng “thấu tình đạt lý” đối với các vấn đề liên quan, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.