Không được nhận hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19 là đúng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Trong đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở thôn Phù Ích, xã Ích Hậu (Lộc Hà) gửi Báo Hà Tĩnh ngày 6/4/2021 có phản ánh việc bà Lê Thị Liên (vợ ông) và các bà: Hồ Thị Vân, Hoàng Thị Hường (cùng thôn) làm nghề buôn bán ve chai nhưng không được nhận tiền hỗ trợ mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Duẩn, việc cả 3 người này đã được niêm yết danh sách tại hội quán thôn nhưng không được chi trả 3 triệu đồng như tinh thần của Chính phủ là có sự khuất tất, người dân không được đảm bảo quyền lợi, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, khi người dân thắc mắc thì trả lời không thấu đáo…
Vợ chồng ông Duẩn phản ánh sự việc với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Phong - công chức văn hóa chính sách xã Ích Hậu khẳng định: “Thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã tiến hành rà soát, lập danh sách, thẩm định các nhóm đối tượng, sau đó niêm yết tại hội quán thôn theo hướng dẫn. Trong danh sách này có 3 hộ có tên trong đơn của ông Duẩn.
Tuy nhiên, khi huyện về xét duyệt thì toàn xã không có hộ nào thuộc nhóm đối tượng "người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (quy định tại Chương IV - Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg) được hỗ trợ. Vì vậy, trong danh sách niêm yết của xã (trong đó có 3 hộ nêu trong đơn) không đảm bảo các điều kiện được hỗ trợ (theo Điều 7 - Chương IV, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg) vì họ đều đang có hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Còn danh sách niêm yết tại hội quán là danh sách rà soát để đề xuất lên cấp trên chứ không phải quyết định các hộ được hưởng. Điều này chúng tôi cũng đã giải thích cho ông Duẩn biết”.
Bà Lê Thị Liên (vợ ông Duẩn) có buôn bán ve chai nhưng chỉ là nghề phụ nên không được hưởng tiền hỗ trợ ảnh hưởng do dịch Covid-19 là đúng.
Khi làm việc, ông Duẩn cũng thừa nhận: Hiện nay, gia đình ông đang làm 1 mẫu ruộng, mỗi năm thu về khoảng 4 tấn lúa. Ngoài làm ruộng, bản thân ông cũng làm thợ xây và một số nghề phụ khác. Mặt khác, ông Duẩn cũng thừa nhận Chủ tịch UBND xã Ích Hậu đã giải thích cho gia đình ông việc này.
Yêu cầu xã phải đi làm bìa đỏ mới hiến đất là vô lý
Trong đơn thư và khi làm việc, ông Hồ Phúc Duẩn còn yêu cầu xã phải đứng ra làm bìa đỏ đất vườn cho gia đình mình (diện tích 424 m2) thì mới hiến 16 m2 đất vườn cho xóm mở đường, làm mương xây dựng nông thôn mới, nếu chưa có bìa thì kiên quyết không hợp tác.
Các lý do được đưa ra là, đất vườn của ông được cấp trái thẩm quyền (vào năm 1995) đến nay chưa có bìa đỏ, cần hợp thức hóa để sau này con cái có đất ổn định. Bản thân ông đã một số lần đi làm thủ tục nhưng chưa được giải quyết nên… giờ xã phải trực tiếp đi làm giúp.
Do đất vườn cấp trái thẩm quyền nên hiện nay ông Duẩn không có bất cứ một loại giấy tờ, thủ tục gì.
Ông Bùi Trọng Đỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, lúc đó tôi làm cán bộ địa chính xã, đã nhiều lần đến vận động gia đình ông Duẩn hợp tác, thực hiện đúng các quy định để cấp bìa đỏ theo Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của UBND tỉnh về viếc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất áp dụng đối với người được giao đất làm nhà ở sai thẩm quyền (đến ngày 31/12/2011) nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý, yêu cầu mở rộng diện tích vô căn cứ nên đến nay vẫn chưa làm được”.
Ông Đặng Ngọc Anh - công chức địa chính xã Ích Hậu thông tin thêm: “Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ công dân trong hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục và thực hiện nhanh các phần việc chuyên môn cấp xã chứ không thể trực tiếp đi làm thay cho công dân như yêu cầu. Hiện chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ thủ tục theo hướng cấp đất lần đầu và gửi lên huyện xét duyệt. Về cơ bản, việc cấp bìa không có vấn đề gì khó khăn, nhưng nghĩa vụ tài chính thì gia đình phải thực hiện và việc cấp bìa phải phụ thuộc vào tiến độ chung của xã”.
Ông Duẩn không hiến khoảng 16 m2 đất vườn để mở đường nếu xã không đứng ra làm bìa đỏ cho mình.
Ngoài ra, người làm đơn cũng bày tỏ bức xúc khi lãnh đạo xã có những lời nói thiếu chừng mực khi đến vận động hiến đất mở đường và thời gian vận động quá lâu (đến hơn 12 giờ đêm). Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Ích Hậu Nguyễn Xuân Quân thừa nhận trong lúc nóng nảy có to tiếng với gia đình ông khi đến nhà vận động hiến đất và sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, sự bức xúc của bản thân là hoàn toàn vì tập thể, vì công việc.
Ông Nguyễn Xuân Quân chia sẻ thêm: “Từ tháng 9/2020, chúng tôi đã có kế hoạch làm lại mương, mở rộng nền và rải thảm đoạn đường dài khoảng 500m đi qua trước nhà ông Duẩn. Từ đó đến nay, chúng tôi đã tổ chức 33 lượt đến nhà vận động, trong đó có cả lãnh đạo huyện và bản thân tôi cũng trực tiếp đến 6 lần nhưng gia đình vẫn không hợp tác”.
Tất cả các gia đình khác đều đã hiến đất, lùi bờ rào để mở đường, chỉ còn gia đình ông Duẩn chưa hợp tác nên mương chưa thể xây, đường chưa thể nâng cấp.
Như vậy có thể khẳng định rằng, các yêu cầu, đòi hỏi của ông Hồ Phúc Duẩn là không hợp lý, không thể thực hiện. Sự bất hợp tác, thiếu tinh thần tự nguyện của gia đình ông đang làm ảnh hưởng đến phong trào chung của xóm, xã. Vì vậy, rất mong gia đình hợp tác, chia sẻ hơn với chính quyền địa phương.
Trên phương diện khác, xã Ích Hậu cần tiếp tục kiên trì, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích cho hộ ông Duẩn về các vấn đề có liên quan, tránh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại phức tạp trong dịp bầu cử. Trong quá trình làm dân vận, thuyết phục phải khéo léo, mềm mỏng, hợp lý hợp tình.