Huyện Hương Khê là địa phương miền núi, vùng xa, nhiều khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào lao động chân tay nên khi về già sẽ rất khó bảo đảm đủ trang trải cuộc sống. Hương Khê cũng gắn liền với đặc sản bưởi Phúc Trạch và nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, thu nhập từ cây bưởi đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
Xuất phát từ việc hướng tới người dân có lương hưu, Hội Nông dân huyện Hương Khê đã thực hiện mô hình Cây bưởi BHXH, BHYT; trích một phần thu nhập từ cây bưởi để đóng nộp tự nguyện BHXH và BHYT.
Đi đầu thực hiện mô hình này, Hội Nông dân xã Hương Trạch đã xây dựng điểm "Câu lạc bộ nông dân hướng tới lương hưu" tại thôn Ngọc Bội với 18 thành viên; trở thành điểm sáng về giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức vào “lưới” an sinh xã hội.
Chị Phạm Thị Thương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Trạch chia sẻ, xã Hương Trạch được biết đến là thủ phủ đặc sản của bưởi Phúc Trạch với diện tích 453,6 ha. Năm 2023, thu nhập từ cây bưởi Phúc Trạch trên địa bàn xã ước tính đạt 60 tỷ đồng. Từ những lợi thế này, chúng tôi mạnh dạn xây dựng mô hình điểm "Câu lạc bộ nông dân hướng tới lương hưu" nhằm tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; đồng thời, hướng dẫn các thành viên thực hành tiết kiệm, cách quản lý kinh tế gia đình hiệu quả, từ đó, trích một phần kinh phí thu nhập từ cây bưởi để tham gia các loại bảo hiểm".
Tham gia mô hình, mỗi thành viên sẽ dành riêng 1 – 2 cây bưởi trong vườn nhà để phục vụ hoạt động mua các loại bảo hiểm và được gắn biển "Cây BHXH". Chị Mai Thị Lài (36 tuổi, thôn Ngọc Bội) cho biết: "Sau khi được tuyên truyền, vợ chồng tôi quyết định dành riêng 2 cây bưởi trong vườn để mua BHXH. Mỗi cây bưởi của gia đình sẽ ra khoảng 50 - 60 quả/năm, giá trung bình mỗi quả khoảng 25.000 đồng, như vậy với 2 cây bưởi, tôi có thể đóng BHXH mức tối thiểu (hơn 2,7 triệu đồng), sau này về già sẽ đỡ lo về kinh tế hơn”.
Từ 18 thành viên ban đầu, sau chưa đến 2 tháng ra mắt, thôn Ngọc Bội đã có thêm 6 hội viên nông dân tham gia mô hình cây bảo hiểm; dự kiến số thành viên sẽ tăng lên trên 30 người trong năm 2024.
Bà Lê Thị Thảo (51 tuổi, thôn Ngọc Bội) vẫn còn cảm thấy nhiều tiếc nuối khi không được tiếp cận với chính sách BHXH sớm hơn. Bà chia sẻ: "Tôi hiện sống 1 mình và đang sở hữu hơn 100 gốc bưởi Phúc Trạch, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2.000 quả. Nếu dành riêng 1 - 2 cây bưởi để lấy kinh phí đóng các loại bảo hiểm thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống trong khi tôi sẽ có một chỗ dựa tài chính, an tâm trang trải cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe khi không còn sức lao động. Vì vậy, khi thấy nhiều nông dân trong thôn xây dựng mô hình cây BHXH, tôi cũng mạnh dạn xin tham gia".
Ông Đinh Công Tịu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết: "Khi nói đến huyện Hương Khê ai cũng biết đến cây bưởi Phúc Trạch. Nhưng ngày nay lại có thêm một cây bưởi mới - cây bưởi bảo hiểm, gắn kết người nông dân với chính sách BHXH, BHYT. Đây cũng là mô hình điển hình "dân vận khéo" năm 2024 của Hội Nông dân huyện. Mô hình sẽ giúp người nông dân không còn nỗi lo mưu sinh khi về già".
Từ mô hình điểm tại thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, đến nay "Cây bưởi bảo hiểm" đã lan tỏa đến các thôn ở xã Phú Gia (dự kiến ra mắt trong tháng 8/2024). Trong thời gian tới, Huyện hội sẽ phát động nhân rộng mô hình trên khắp toàn huyện với mục tiêu ít nhất mỗi xã có 1 mô hình".
Tham gia BHXH tự nguyện giúp người dân an tâm hơn vì được chi trả lương hưu khi không còn khả năng lao động hoặc hết tuổi lao động; giúp họ đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống. Đây cũng là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng phí mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời…