Để đối phó nắng nóng, ngoài việc tránh đi ra đường giờ nắng nóng cao điểm thì uống đủ nước là rất quan trọng.
Đối tượng dễ mất nước
Vào mùa hè, nắng nóng tác động đến sức khỏe rất nhiều, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức, lại thiếu các phương tiện chống nắng cần thiết, không bù đủ nước so với lượng mồ hôi mất ra sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó, trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.
Vì vậy, ngoài đối tượng người cao tuổi, trẻ em thì công nhân làm việc ngoài trời như: công nhân xây dựng, nhân viên cảnh sát, nhân viên vệ sinh thu gom rác và những người dành phần lớn thời gian làm việc trong cái nắng nóng, có ít thời gian nghỉ ngơi trong phòng hoặc uống bù nước.
Ngoài ra, những người dành hàng giờ tập luyện và thi đấu trong nắng nóng thường không có đủ lượng chất lỏng để bù đắp cho sự mất mát chất lỏng gây ra bởi các hoạt động cơ bắp mạnh mẽ, cường độ cao.
Khi đó, người bệnh có các dấu hiệu sốt cao, mặt mũi đỏ nhừ, vã mồ hôi, mạch nhanh, có biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê...). Có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Các tổn thương có thể không hồi phục hoặc khó hồi phục.
Các biện pháp đối phó với nắng nóng trong mùa hè.
Cần uống bổ sung từ 2-3 lít nước
Để chống mất nước, sốc nhiệt, cần luôn nhớ uống đủ nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước. Nhưng nếu chỉ uống nước lọc thôi không đủ do mùa hè, lượng mồ hôi mất đi quá nhiều do hoạt động thể lực, làm việc môi trường nắng nóng nên tốt nhất uống nước pha loãng muối đường (oresol) để vừa cung cấp nước, cung cấp điện giải mất đi theo mồ hôi.
Bổ sung nước oresol cũng rất rẻ, tiện lợi, chỉ 1 gói oresol có thể pha cả lít nước, mang theo khi đi ra ngoài, rất hiệu quả để phòng rối loạn điện giải, mất nước qua mồ hôi. Mỗi ngày, lượng nước người lớn cần uống bổ sung từ 2-3 lít nước.
Một số giải pháp bù nước trong mùa hè
Trong mùa hè, uống nước là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ nước lọc thôi chưa đủ, tốt nhất là dùng thêm nước dừa, nước oresol sẽ giúp bổ sung lượng điện giải khi bị mất qua mồ hôi do nắng nóng.
Mùa hè có thể bổ sung thêm các loại trái cây như dưa hấu, cam, đào, dứa... đều là những loại quả rất tốt cho sức khỏe. Nên sử dụng chúng trong chế độ ăn uống hàng ngày để cung cấp lượng nước đã mất. Đồng thời, chúng là những loại quả rất giàu vitamin C giúp giữ ẩm.
Có thể sử dụng hoa quả làm sinh tố mùa hè giúp cơ thể giữ nước rất tốt. Ăn sinh tố vào mùa hè kết hợp với các loại trái cây thơm ngon, chẳng hạn xay một cốc sinh tố xoài pha với sữa chua. Đây là loại thức uống giải nhiệt lý tưởng khi hè đến.
Đồ uống giải nhiệt từ tự nhiên cũng rất tốt, nước dừa và nước chanh, cam có thể làm giảm nhiệt độ của cơ thể. Những loại đồ uống này có nhiều muối, ngăn ngừa sự mất nước. Với 1 cốc nước chanh thêm chút muối có thể giúp cân bằng độ mồ hôi của cơ thể trong mùa hè nóng, tránh bị mất nước trong cơ thể.
Hằng ngày, cần tăng thêm lượng rau xanh vào chế độ ăn vì rau xanh chứa một lượng nước lý tưởng giúp cơ thể bạn giữ nước một cách tự nhiên. Các loại rau như cải xanh, bắp cải, rau muống, mồng tơi, rau ngót... rất lý tưởng để giải nhiệt cơ thể.
Ngoài việc bổ sung đồ ăn, nước uống, cũng cần có chế độ nghỉ ngơi thật hợp lý.
Những người lao động ngoài trời nắng nóng rất dễ bị mất nước.
Các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng đòi hỏi phải chăm sóc y tế
Các triệu chứng nhẹ của tình trạng mất nước bao gồm: Môi và lưỡi khô; đau đầu; yếu ớt, chóng mặt hoặc mệt mỏi cực độ; nước tiểu ít và sậm màu hơn bình thường; buồn nôn. Đây là những triệu chứng nhẹ, người lớn bình thường khỏe mạnh có thể tự điều trị. Nhưng nếu trẻ em hoặc người cao tuổi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.
Nên đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu có các triệu chứng nghiêm trọng sau đây của tình trạng mất nước: Tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy vừa phải trong 24 giờ trở lên; phân có máu hoặc phân đen; xuất hiện mất phương hướng, dễ cáu kỉnh hoặc có mệt mỏi cực độ; ít đi tiểu; Miệng, da rất khô; thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh; mắt trũng.