Bằng nhiều nguồn lực, những năm qua, trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã được đầu tư xây dựng nhiều tiểu công viên, trở thành nơi vui chơi giải trí, thư giãn của người dân sau một ngày làm việc mệt mỏi. Đó cũng là những điểm nhấn về cảnh quan đô thị, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, qua quan sát tại một số khu tiểu công viên trên địa bàn, tình trạng xả rác bừa bãi, cỏ dại xâm lấn, nhiều thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao bị hư hỏng vẫn diễn ra. Có thể kể ra một số điểm như: tiểu công viên trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh giao với đường Nguyễn Công Trứ (phường Nguyễn Du); tiểu công viên TDP 4 ở phường Trần Phú...
Chai nhựa, túi ni lông, các loại phế phẩm khác bị bỏ lại ở tiểu công viên Khu đô thị Bắc thành phố Hà Tĩnh.
Nguyên nhân chính là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, khi đến vui chơi tại các tiểu công viên đã “vô tư” xả rác, thiếu ý thức giữ gìn tài sản (các dụng cụ thể dục thể thao). Trong khi đó, chính quyền các phường, xã chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý, sử dụng các tiểu công viên, nhất là việc chú trọng làm vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên, duy tu các hạng mục.
Bà Trần Thị Hương - một hộ dân sinh sống tại Khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi rất thích đến các tiểu công viên để thư giãn, tập thể dục vào sáng sớm và cuối chiều. Chứng kiến nhiều người, nhất là các bạn trẻ đến đây vui chơi rồi bỏ lại nào chai, cốc nhựa một cách bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, tôi rất buồn. Thiết nghĩ, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân thì chính quyền phường nên phát động các đợt ra quân dọn dẹp rác thải, cắt cỏ thường xuyên để không gian tiểu công viên đẹp sạch, đẹp và thoáng hơn".
Qua thời gian sử dụng, nhiều dụng cụ, đồ chơi... tại một số tiểu công viên đã bị hư hỏng nhưng chưa được tu sửa.
Thành phố Hà Tĩnh đang phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Địa phương đã phát động nhiều phong trào, huy động các nguồn lực; triển khai các chương trình dài hơi như: xây dựng hạ tầng chiến lược; chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị; trồng 100.000 cây xanh...
Chung tay cùng thành phố, chính quyền cấp cơ sở, các tổ dân phố, khu/cụm dân cư và mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm trong cải thiện không gian sống; giữ gìn vệ sinh các khu vực công cộng.
Chính quyền các phường, xã cũng cần quan tâm hơn đến công tác duy tu, bảo vệ và quản lý tiểu công viên; huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên, hạ tầng nhằm phát huy hiệu quả, mục tiêu của tiểu công viên, góp phần phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.