Ảnh minh họa: AFP
Một cô gái trẻ tiếp thị nhãn hàng snack (ngoài bắc gọi là bim bim) đeo một cái khay khá to phía trước, trên khay đặt khá nhiều ly nhựa trong nhỏ. Phải đến vài chục ly, đựng sẵn snack, loại snack mì tôm cọng nhỏ, để sẵn sàng mời các bạn học sinh nhỏ lúc tan trường.
Trống tan trường. Học sinh ùa ra. Cổng trường như cảnh chợ. Cô gái tay cầm một gói snack giơ cao để gây chú ý, cố nói thật to để thu hút các bạn nhỏ: “Chị mời các em ăn thử snack mì tôm nhé, snack hiệu… rất ngon. Các em ủng hộ nhé…”. Kèm theo đó, đương nhiên là gương mặt tươi tắn và nụ cười của cô gái.
Nhiều em học sinh ùa đến bên cái khay đang đựng snack. Tôi, trong phản xạ của một người hay để ý chuyện giáo dục con trẻ, bắt đầu đếm xem có bao nhiêu học sinh sẽ nhìn chào cô gái mà chắc chắn là về tuổi tác sẽ ở vai chị. Và bao nhiêu em sẽ nói lời cảm ơn khi lấy ly snack ăn thử.
Tôi kinh ngạc. Chỉ có một em nhìn cô gái tiếp thị với cái chào không rõ ràng. Và không có học sinh nào có lời cảm ơn khi nhận ly snack ăn thử. Còn cô gái tiếp thị thì luôn gật đầu chào mỗi em bước đến và đều nói lời cảm ơn với mỗi em khi lấy ăn thử một ly snack.
Tôi biết con số thống kê nho nhỏ tình cờ đó không đủ sức đại diện để khái quát bất cứ điều gì hồ đồ về nhận thức cũng như thói quen ứng xử xã hội của học sinh. Nhưng ngay tại lúc đó, tôi cứ ao ước sẽ có nhiều hơn các em học sinh biết thực hành điều giản dị trong cuộc sống, là trao cho chị tiếp thị kia một cái nhìn giao tiếp và nói một lời cảm ơn xã giao khi nhận ly snack miễn phí.
Rồi một bạn cầm ly snack đã lấy trước đó bỗng dưng quay lại trước mặt cô gái tiếp thị. Em ấy cúi đầu nói lời cảm ơn chị, vẻ xấu hổ, rồi quay lại xe của mẹ đang chờ. Tôi hiểu ra, người mẹ ấy đã kịp nhận thấy con gái mình không nói lời cảm ơn chị khi lấy ly snack và yêu cầu con quay lại cảm ơn.
Tiếc là, cũng khá nhiều người đón con lúc ấy, đã không kịp nhắc con mình. Mà cũng có thể chính phụ huynh đã không để tâm đến chuyện đó.
Giáo dục con trẻ không phải chỉ là chuyện đưa con đến trường để học bài học vở thầy cô dạy. Giáo dục nhà trường thật ra chỉ là một phần, thậm chí là phần không phải lớn nhất, không phải quan trọng nhất, để giúp hình thành nhân cách tốt đẹp và năng lực sống cần thiết cho mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ trước hết sẽ hấp thu từ gia đình, từ cha mẹ những điều tốt đẹp, những nền nếp ứng xử để định hình thói quen và tính cách. Bọn trẻ cần được chỉ bảo, khuyên răn, nhưng cũng cần cả sự nhắc nhở kịp lúc, kịp thời để biết xử sự.
Ước gì mỗi phụ huynh đều để ý nhắc con mình như người mẹ trong câu chuyện này. Lời nhắc đơn giản, nhưng đó chính là căn bản của giáo dục con cái mỗi ngày.