Hằng ngày, ven tuyến đường nối thôn Tân Quý với Đông Xuân (xã Hộ Độ) luôn có người mang rác ra đổ.
Tuyến đường bê tông được đầu tư xây dựng cách đây hơn 2 năm, nối thôn Tân Quý và thôn Đông Xuân (xã Hộ Độ) có chiều dài khoảng 700m, rộng khoảng 4m. Đây là tuyến đường nội vùng có ý nghĩa quan trọng trong lưu thông, phục vụ nuôi trồng thủy sản...
Thế nhưng, gần đây, tuyến giao thông này đang bị biến thành nơi đổ rác thải sinh hoạt của các hộ dân trong vùng. Hiện nay, dọc tuyến đường này đã hình thành 4 điểm đổ rác, trong đó điểm nhiều nhất rộng khoảng 250 m2, kéo dài khoảng 40m; 2 điểm nhỏ hơn rộng khoảng 20m2; 1 điểm khác bắt đầu hình thành gần khu dân cư thôn Đông Xuân.
Đủ các loại rác vương vãi khắp lòng đường, lề đường trông rất nhếch nhác, bẩn thỉu.
Ông P.V.L. là người nuôi trồng thủy sản trong vùng phản ánh: “Không kể ngày hay đêm ở đây đều có người lén lút chở rác ra đổ. Thậm chí, nhiều người vừa chạy vừa vứt rác xuống đường. Hành vi thiếu ý thức của họ rất phản cảm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến những người đang sản xuất, sinh sống xung quanh... Nhiều lần, tôi có ý kiến thì họ lại phản ứng, bày tỏ thái độ khó chịu”.
Các đống rác ven đường như thế này đang có dấu hiệu ngày một lớn.
Rác thải sinh hoạt nằm dọc tuyến đường dân sinh này có đủ loại như: mảnh vở thủy tinh, gạch vữa, cành cây khô, bàn ghế cũ, chăn nệm hư hỏng, giỏ nhựa, túi bóng, súc vật chết, các loại rác thải sinh hoạt gia đình... Nhiều chỗ, rác vương vãi ra gần 1/3 nền đường, có không ít rác đã bị mục nát.
Một điểm vứt rác gần khu dân cư thôn Đông Xuân.
Ông T.Q.T ở thôn Tân Quý phản ánh: “Tôi thường xuyên chở vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản chạy qua tuyến đường này nên chứng kiến một số bà con ra đây đổ rác, nhất là các hộ sinh sống lân cận khu vực này của thôn Đông Xuân. Các đống rác không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm xấu mỹ quan, gây khó khăn trong thu dọn mà còn ảnh hưởng đến giao thông đi lại".
Những dấu hiệu trên mặt đường bê tông cho thấy rác vứt ở đây khá nhiều và xẩy ra trong thời gian dài.
“Chúng tôi mong muốn các hộ dân quanh vùng phải tự nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan đường làng, môi trường sống. Rác thải sinh hoạt phải được phân loại ở nhà và thu gom, xử lý đúng quy trình, quy định, không được vứt bừa bãi như hiện nay. Xã và thôn cần tổ chức thu dọn, chôn lấp gắn với tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các hành vi tái phạm” - ông T. bày tỏ.