Còn hạnh phúc nào hơn dựng vợ gả chồng cho con, nhìn con xây đắp gia đình nhỏ. Nhưng niềm vui đi kèm trách nhiệm. Thấm thoắt, con trai cả sinh con rồi đến con gái út mang bầu, mẹ tự khoác lên mình nhiệm vụ trông cháu, chăm con.
Các con coi đó là chuyện hiển nhiên, chẳng có gì phải lăn tăn. Rồi các con cứ hồn nhiên, vô tư nghĩ mẹ là siêu nhân.
Một tuần 7 ngày thì 5, 6 ngày mẹ chạy đi chạy lại như con thoi giữa nhà con trai và con gái cách nhau 8 cây số.
Ban ngày mẹ trông cháu nội, và làm đủ việc không tên: Nấu ăn, dọn nhà, giặt giũ, phơi phóng... Chiều tối khi con dâu, con trai vừa về đến nhà, mẹ vội vàng bắt xe ôm đến nấu cơm, dọn dẹp cho con gái đang bầu mà chồng lại đi làm ăn xa.
Sáng sớm ngày hôm sau, xe ôm đèo mẹ quay lại nhà con trai để “nhận bàn giao” cháu nội. Tiếp tục lặp lại vòng tuần hoàn những việc nội trợ.
Bố thì ở quê một thân một mình, chấp nhận cho mẹ lên thành phố giúp con cháu. Nhiều hôm ông nhớ bà gọi điện thoại còn bị bà quát “cháu đang ngủ, gọi gì ồn ào thế?”.
Mẹ làm nhiều nên cũng nói nhiều vì mẹ không chịu được những gì không chỉn chu, vô trách nhiệm. Mẹ mắng con trai vô tâm chơi với con vẫn cầm điện thoại. Mẹ càm ràm con dâu tính bừa bộn, xuề xòa.
Mẹ trách con rể đã đi công tác thường xuyên lại còn mê nhậu, về nhà 3 hôm thì đã 2 hôm có hơi men trong người. Mẹ than con gái mẹ không biết khuyên nhủ chồng, lấy nhầm người đàn ông không dành cho gia đình để rồi làm khổ mình, khổ con, khổ cả mẹ già.
Rồi mẹ quát luôn cả cháu nội vì bà lao tâm khổ tứ nấu từng nồi cháo thơm ngon mà cháu không chịu ăn.
Tất cả những gì mẹ làm, mẹ nói cũng chỉ vì lo lắng và muốn con cháu tốt lên. Nhưng mẹ đâu được đọc sách về tâm lý, mẹ tất bật, vất vả, đâu có thời gian để cân nhắc nói thế nào cho nhẹ nhàng, vừa tai. Nên con cái cần mẹ giúp nhưng lại sợ ở bên cạnh mẹ.
Giáng sinh đang đến rất gần. Mấy bà hàng xóm hỏi mẹ: “Nô-en các con bà có đưa bà đi trung tâm thương mại, đi ăn uống không”. Mẹ không hiểu rõ “nô en” là gì đâu, chỉ thấy rằng không khí lễ hội đang tràn ngập phố phường với những cây thông trang hoàng lung linh. Mẹ nghĩ nếu được cùng con cháu đến những nơi trang trí đẹp đẽ ấy chụp vài bức hình kỷ niệm chắc sẽ rất vui.
Rồi mẹ bần thần khi con trai thông báo dịp lễ này sẽ đưa vợ con đi du lịch. Mở điện thoại ra, mẹ thấy con gái vừa gửi ảnh cùng chồng đi ăn ở một cửa hàng sang trọng. Cô còn vô tư nhắn đây là những món ăn đặc trưng mùa giáng sinh. Mẹ nấu cho con bao nhiêu bữa ăn nhưng hiếm khi nào các con đưa mẹ ra ngoài hàng thử một món lạ.
Có lẽ các con đã quên mất mẹ cũng cần giải trí, nghỉ ngơi. Có lẽ tiềm thức các con đã vô tình ghim mẹ vào gian bếp, vào bỉm sữa trẻ con. Có lẽ câu nói đùa của các con không chỉ là đùa: “Mẹ là ôsin cao cấp”.