Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phối hợp với các địa phương phun trình diễn thuốc trừ đạo ôn Filia525SE
Bệnh đạo ôn trên lá năm nay vẫn tập trung vào những bộ giống mẫn cảm, trở thành chứng “kinh niên” đối với bệnh đạo ôn như: VTNA2, VTNA6, P6, Xi23, XT 28, HT1... Có điều, tổng diện tích canh tác những giống lúa này ở các địa phương khá lớn, khoảng gần 23.000 ha, chiếm gần 39% tổng diện tích vụ xuân 2019. Những nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch họa như đã từng xảy ra những năm trước vẫn chực chờ nếu công tác phòng trừ của người sản xuất thiếu chủ động.
Bệnh đạo ôn chủ yếu gây hại trên các bộ giống nhiễm như: VTNA2, VTNA6, HT1, P6, Xi23. Hiện, có khoảng trên 20.000 ha lúa xuân tại Hà Tĩnh cần được phun phòng bệnh
Vụ xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Tiến, xóm 3, Đức Thịnh (Đức Thọ) gieo cấy 1,3 mẫu lúa. Dù chỉ mới 3 sào phát hiện nhiễm bệnh đạo ôn nhưng bà Tiến đã tiến hành phun phòng cho toàn bộ diện tích của gia đình.
Bà Tiến cho biết: Kiểm tra thì thấy lá lúa đã xuất hiện các vết hình thoi màu nâu nhạt, dù mật độ ít và chỉ mới xuất hiện ở 3 sào nhưng đây là vùng thường xuyên xảy ra dịch đạo ôn lúa nên tôi phải phun để “phòng hơn trị” bệnh.
Những ngày này, nhiều địa phương ở Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, Cẩm Xuyên đã đồng loạt tổ chức cho bà con xuống đồng phun phòng trừ đạo ôn. Ở nhiều nơi, người nông dân được “cầm tay chỉ việc”, cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con từ cách phát hiện, theo dõi tình hình bệnh dịch, cắm "vè" cảnh báo vùng nhiễm bệnh đến lựa chọn bộ thuốc nằm trong hướng dẫn của cơ quan BVTV, cách thức phun, liều lượng phù hợp...
Filia525SE là thuốc phòng trừ đạo ôn lá đang được nhiều địa phương sử dụng
Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Hương Sơn cho biết: “Cùng với việc tổ chức thăm đồng, dự báo sự phát sinh của bệnh thì Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị cung ứng tổ chức các điểm phun trình diễn tại những xã trọng điểm nhiễm bệnh đạo ôn. Từ đó, khoanh vùng, tập trung xử lý mầm bệnh ở diện hẹp, cũng như hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình phun thuốc BVTV, phân biệt các loại thuốc phù hợp với tình hình bệnh”.
Theo dõi sát đồng ruộng, phun thuốc đúng cách, đúng liều lượng là biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả
Hiện nay, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Tập đoàn Lộc Trời là những đơn vị cung ứng được Sở NN&PTNT lựa chọn, đã thực hiện cung ứng thuốc BVTV đúng chất lượng đến tận người dân. Với cách làm này, nhà cung ứng cũng là chuyên gia kỹ thuật, gắn trách nhiệm với người dân, hướng dẫn bà con cách pha chế, phân biệt các loại thuốc phòng trừ đạo ôn chính hiệu, phun đúng cách, đúng thời điểm nhằm khoanh vùng thành công vùng nhiễm bệnh cũng như khống chế an toàn vùng nguy cơ có hiệu quả.
Bón cân đối phân bón là giải pháp bền vững phòng bệnh đạo ôn và nhiều loại sâu bệnh khác trên lúa
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, để hạn chế gây hại của bệnh đạo ôn trên lá, bà con nông dân cần tuân thủ bón phân cân đối, tiếp tục chủ động công tác theo dõi, phát hiện bệnh, từ đó xử lý dứt điểm khi bệnh còn mật độ nhỏ, gây hại ít. Theo đó, tiến hành xử lý các loại thuốc được cơ quan BVTV tỉnh khuyến cáo, như: Filia525SE, Beam 75WP, Kabim 30 WP...
Cùng với đó, cần phun thuốc vào trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá và xử lý lại lần 2 sau 5 - 7 ngày nếu các vết bệnh cấp tính vẫn phát triển mới. Những diện tích nhiễm nặng, cần tiến hành cắt bỏ lá bị bệnh, vùi sâu vào đất hoặc phơi khô, đem đốt để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng.
Các vùng bị nhiễm bệnh đạo ôn lá đã được bà con nông dân phun thuốc BVTV phòng trừ. Không chỉ vậy, diện tích được phun thuốc khống chế được mở rộng, lên đến hàng nghìn ha. Đặc biệt, bà con chú trọng ở vùng lân cận diện tích đã nhiễm, vùng ổ dịch cũ, các chân ruộng có biểu hiện thừa đạm, bộ lá xanh mượt nhằm khống chế khả năng phát sinh và lây lan của bệnh