Sáng 19/3, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh khai mạc hội nghị bổ cứu công tác tiêm phòng và chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò cho lực lượng chuyên môn cấp huyện, xã. |
Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức bổ cứu về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 3.785 con trâu, bò bị nhiễm bệnh tại 113 xã thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã gồm: Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh, Nghi Xuân, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh. Trong đó, có có 232 con mắc bệnh, chết, phải tiêu huỷ với khối lượng 29 tấn và 502 con trâu, bò khỏi triệu chứng lâm sàng, khoẻ mạnh.
Hà Tĩnh đã tập trung đồng bộ các giải pháp phòng chống, khoanh vùng dịch bệnh; đã nhập về 45.000 liều vắc xin Lumpyvac để triển khai tiêm phòng tại 8 huyện, thành phố, thị xã.
Các địa phương đã tập trung hoàn thành tiêm được hơn 41.000 liều vắc-xin. Qua theo dõi, giám sát sau tiêm phòng, cơ bản sức khoẻ đàn trâu, bò ổn định, đảm bảo.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: Nguy cơ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục lan ra diện rộng vẫn rất cao. Công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chuyên môn, nguy cơ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh tiếp tục lan ra diện rộng vẫn rất cao do đây là loại dịch bệnh mới, chưa có đầy đủ phác đồ điều trị; véc-tơ truyền bệnh đa dạng,…
Hơn nữa, thời tiết đang ở trạng thái nóng, ẩm của mùa xuân, các động vật trung gian truyền bệnh như muỗi, ve, mòng… phát triển nhanh, mật độ dày đặc. Trong khi đó, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh khá lớn, chủ yếu chăn thả chung, điều kiện chuồng trại chưa đảm bảo an toàn.
Xã Kỳ Trung cách ly bò bị bệnh viêm da nổi cục, phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại ở thôn Đất Đỏ. (Ảnh tư liệu).
Tại hội nghị, lãnh đạo Chi cục Thú y vùng III, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã bổ cứu thêm một số giải pháp thực hiện để khống chế dịch bệnh trong thời gian tới cho lực lượng cán bộ tại cơ sở.
Trọng tâm là đa dạng hình thức tuyên truyền; hướng dẫn cách ly trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh đúng hướng dẫn; phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh với việc sử dụng các hoá chất như Iodine, Hanlusep, Hantox 200, Formaldes… phun liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh, nghi bị nhiễm bệnh và môi trường xung quanh.
Các địa phương cần phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường
Tiếp tục chủ động kế hoạch để tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh khi được bổ sung thêm vắc-xin từ đơn vị cung cấp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò sau tiêm phòng vắc-xin nhằm tiếp tục bổ cứu thông tin và có giải pháp xử lý kịp thời.
Đặc biệt, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại hằng ngày; tiêu độc khử trùng bằng hoá chất, vôi bột và chú trọng việc chăm sóc, hộ lý, điều trị chống viêm nhiễm kế phát khi trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục theo hướng dẫn của ngành chuyên môn các cấp.
Ông Trần Hậu Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà chia sẻ một số kinh nghiệm của địa phương trong công tác tiêm phòng vắc-xin.
Cũng tại hội nghị, lực lượng chuyên môn cấp huyện, xã tham gia công tác phòng cống dịch tại cơ sở dành phần lớn thời gian để trao đổi, chia sẻ thêm về những khó khăn, kinh nghiệm xử lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các biểu hiện sốc phản vệ trên trâu, bò sau khi tiêm phòng vắc-xin…
Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiếp thu các ý kiến từ cơ sở để nắm thêm thông tin, tiếp tục xây dựng, bổ sung các phác đồ điều trị cơ bản cho người chăn nuôi thực hiện; bổ cứu thêm những giải pháp nhằm nhanh chóng khống chế dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.