Đánh vào tâm lý muốn thay đổi công việc, môi trường làm việc; nhu cầu muốn làm việc tại nhà, tranh thủ kiếm thêm thu nhập của nhiều người dân, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo “xuất chiêu” lừa đảo qua hình thức tuyển dụng việc làm, “cắt” chiết khấu hoa hồng quảng cáo sản phẩm, trang web... khiến không ít người phải nhận cái kết “đắng”.
Người dân cần cảnh giác trước các thông tin tuyển dụng việc làm qua mạng xã hội.
Đầu tháng 10/2022, anh Nguyễn Văn B. (thị trấn Thạch Hà) nhận được tin nhắn điện thoại với nội dung: “Tiktok cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà. Công việc là xử lý đơn đặt hàng từ ứng dụng của Tiktok. Thu nhập mỗi ngày từ 350.000 - 1 triệu đồng. Các bạn có nhu cầu tham gia cần liên hệ Telegram: @Q6562”. Thấy lời mời hấp dẫn, anh B. đã làm theo hướng dẫn của tin nhắn thì bị lừa mất 400.000 đồng.
Anh B. kể lại: “Khi tham gia đăng ký, tôi được hướng dẫn làm việc online, sao chép link (đường dẫn) để “ăn” hoa hồng. Tuy nhiên, theo như hướng dẫn, tôi phải đặt cọc 400.000 đồng để giữ chỗ. Đồng thời, họ yêu cầu tôi đăng ký, nhập thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để trả lương ngay trong ngày. Chờ 1 tuần, 2 tuần không thấy việc làm, lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa”.
Hàng loạt tin nhắn tuyển dụng việc làm qua mạng xã hội liên tục được gửi đến anh B.
Tương tự, chị Phan Thị A. (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) bắt gặp thông tin việc làm trên Facebook có đoạn viết: "Cần 50 cộng tác viên nhập mã đơn hàng. Cơ hội làm việc trên điện thoại nhận lương 12 triệu đồng đến 36 triệu đồng/tháng đang chờ bạn. Liên hệ ngay qua messenger”.
Thấy đây là cơ hội tốt, chị A. đã làm theo hướng dẫn và trở thành cộng tác viên bán hàng của một gian hàng ảo trên mạng. Nhiệm vụ của chị là vào đường link để chốt mua một món hàng ảo nhưng không cần nhận hàng. Sau khi giao dịch thành công, chị sẽ được hoàn lại số tiền bỏ ra mua hàng và nhận thêm từ 15% hoa hồng trên tổng số tiền của đơn hàng đó.
“Ban đầu, họ hướng dẫn các thao tác mua hàng, chuyển khoản nên có ngày tôi kiếm được 500.000 đồng tiền lời. Được vài ngày, họ yêu cầu tôi tích điểm để gia tăng tiền hoa hồng và tăng giá trị hóa đơn mua hàng lên 8 triệu đồng. Khi tôi chuyển 8 triệu đồng để mua hàng thì không được trả lại tiền gốc, hoa hồng như cam kết…”, chị A. bày tỏ.
Anh B., chị A. là những trường hợp cụ thể trong số nhiều nạn nhân bị mất tiền oan từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng đồng bởi các chiêu trò tuyển dụng việc làm online. Vì số tiền không quá lớn hoặc ngại người thân biết, nhiều người đành ngậm ngùi im lặng.
Hiện trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện lời mời tuyển dụng đầy hấp dẫn
Hiện có nhiều hình thức lừa đảo để có thể đưa nạn nhân “vào tròng” và phổ biến nhất là hình thức tuyển: đánh máy, xem video clip, duyệt đơn online, làm khảo sát... Các đối tượng sẽ yêu cầu người tìm việc tạo tài khoản ngân hàng, đặt cọc trước khi được trả thù lao. Đến khi “cá cắn câu” thì nhà tuyển dụng cũng... mất cả hình lẫn tiếng!
Chiêu lừa đảo này đánh vào tâm lý của nhiều người tìm đến những kênh giải trí trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, TikTok... Ngoài ra, yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản, chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân và tài khoản ngân hàng...
Những kẻ lừa đảo còn nhắm đến các bà mẹ nuôi con nhỏ, nữ công nhân, sinh viên muốn làm thêm... nên liên tục chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo,...) với những nội dung hấp dẫn: “Shopee, Lazada, Tiki, Sendo tuyển cộng tác viên bán hàng để tăng lượng đơn hàng”, “nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử cho các shop kinh doanh online”...
Để người lao động tin cậy, các đối tượng còn lập tài khoản cá nhân, fanpage mạo danh hoặc giả mạo thông tin chuyên trang tuyển dụng của các công ty, tập đoàn lớn rồi gửi thông tin trực tiếp qua tin nhắn cho người tìm việc.
Một bài viết cảnh báo lừa đảo tuyển dụng online được đăng trên nhiều hội/nhóm mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Người lao động cần cảnh giác với các tin nhắn tuyển dụng để tránh bị “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo. Thông thường kẻ lừa đảo sẽ đưa ra các thông tin chung chung như tuyển vị trí phục vụ, nhân viên trực tổng đài điện thoại, nhân viên chốt đơn... với mức lương tương đối hấp dẫn và một số điện thoại lạ để liên hệ mà không có tên tuổi, địa chỉ công ty, không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, độ tuổi...”.
Có thể thấy rằng, các hình thức, thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng việc làm, mua hàng để được nhận hoa hồng thông qua mạng xã hội gần đây rất tinh vi khi sử dụng các chiêu trò đánh vào sự cả tin, nhẹ dạ của người tìm việc. Vì vậy, người dân cần cảnh giác khi nhận được tin nhắn không rõ nguồn gốc; thận trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin việc làm, chương trình khuyến mãi trước khi nhấn vào đường link tham gia. Đặc biệt, người dân không nên cung cấp tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để kết nối việc làm và không thu bất kỳ khoản phí dịch vụ nào của người lao động. Hiện nay, đơn vị luôn duy trì sàn giao dịch việc làm; mở phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố để trực tiếp kết nối doanh nghiệp với người lao động. Do vậy, người lao động có thể tới các sàn, phiên giao dịch này để được tư vấn tìm kiếm việc làm miễn phí phù hợp với khả năng tay nghề.