Thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo, những năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Tĩnh giảm từ 11,4% (đầu năm 2016) xuống còn 4,53% (cuối năm 2019).
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân trao quà cho đối tượng hộ nghèo già cả neo đơn, không nơi nương tựa (Ảnh tư liệu)
Tuy vậy, công tác giảm nghèo vẫn còn một số hạn chế, kết quả giảm nghèo hằng năm chưa tương xứng với tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững.
Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 10.834 hộ nghèo thuộc nhóm bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 2,87%. Trong đó có 1.405 hộ đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 151/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh, còn lại 9.429 hộ không có khả năng thoát nghèo.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giảm nghèo, Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ 270.000 đồng/người/tháng cho thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
Để tăng thu nhập cho các thành viên hộ nghèo thuộc nhóm bảo trợ xã hội, tại kỳ họp thứ 12, ngày 15/12/2019, HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết 179 “Về việc quy định chính sách hỗ trợ thu nhập cho các thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025”.
Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 270.000 đồng/người/tháng cho thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội theo chuẩn nghèo quy định của Chính phủ áp dụng cho từng giai đoạn, có tên trong danh sách hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội do UBND cấp xã quản lý.
Chính sách sẽ không thực hiện hỗ trợ đối với các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội có thân nhân như: con, anh, chị em ruột có điều kiện kinh tế là hộ trung bình, khá giả trở lên.
Cùng với hỗ trợ từ ngân sách, Nghị quyết 179 còn huy động sự vào cuộc, chung tay của cả xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng (Trong ảnh: Tập đoàn Vingroup ủng hộ cho Quỹ "Vì người nghèo" Hà Tĩnh). Ảnh Giang Nam
Ông Nguyễn Xuân Thái, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, ngoài việc ngân sách nhà nước hỗ trợ 270.000 đồng/người/tháng thì điểm nhấn trong nghị quyết lần này là huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị và cả xã hội để trợ giúp cho các đối tượng.
Theo đó, nghị quyết đã gắn trách nhiệm của chính quyền, ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từng hộ để giúp các đối tượng được mức thu nhập bình quân đảm bảo trên mức chuẩn nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho từng giai đoạn.
“Như giai đoạn hiện nay, mức thu nhập bình quân đảm bảo trên mức chuẩn nghèo đối với khu vực nông thôn là 750.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 950.000 đồng/người/tháng. Như vậy, ngoài phần 270.000 đồng/tháng do ngân sách tỉnh hỗ trợ thì phần thiếu hụt còn lại sẽ tiến hành xã hội hóa với sự chung tay của cộng đồng xã hội” – ông Thái cho biết thêm.