Một hộ chăn nuôi ở xã Thuần Thiện (Can Lộc) vừa nhập lợn từ tỉnh Thái Bình về bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy 65 con.
Mới đây, Can Lộc xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên bắt nguồn từ một hộ dân ở xã Thuần Thiện mua 65 con lợn giống từ tỉnh Thái Bình về nuôi. Từ thực tế này cho thấy, việc mua lợn từ các tỉnh khác về trong thời điểm này hết sức “nhạy cảm”, bởi con đường lây nhiễm của vi-rút dịch tả lợn châu Phi rất khó kiểm soát.
Ông Đoàn Minh Lương – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: Mặc dù huyện đã tuyên truyền khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn trong thời điểm này nhưng một số hộ dân vẫn “đánh cược” mua con giống về nuôi hi vọng lúc xuất chuồng được giá, lãi cao. Tuy nhiên, việc nhập con giống từ các tỉnh khác về rất khó kiểm soát bởi các hộ không khai báo, lực lượng thú y mỏng nên không thể nắm bắt hết được.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, người chăn nuôi không nên tái đàn vào thời điểm này
“Việc UBND tỉnh vừa ban hành Công điện tiếp tục triển khai, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh DTLCP, trong đó tạm dừng nhập lợn từ các tỉnh khác vào địa bàn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm là hết sức cần thiết để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi” – ông Lương khẳng định.
Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y thông tin: Hiện tại, các trại nái trên địa bàn đang nằm trong tầm kiểm soát với tổng đàn khoảng 40.000 con, trong đó khoảng 20.000 con nái bố, mẹ. Bởi vậy, số lượng giống trên địa bàn đang đủ cho phát triển sản xuất. Trong khi đó, đến thời điểm này, cả nước đã có 62/63 tỉnh, thành bị dịch tả lợn châu Phi thì việc nhập lợn vào địa bàn có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Ngành chức năng tiếp tục kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào ra địa bàn
Để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch thì giảm đàn được xem là giải pháp căn cơ nhất trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, giảm bằng cách tạm thời dừng nhập đàn từ các tỉnh khác vào là hết sức quan trọng. Những đàn lợn nào đến độ tuổi tiêu thụ và đang đảm bảo thì tìm mọi cách để hướng dẫn người dân xuất bán, giảm đàn.
Cũng theo ông Hùng thì việc tăng đàn trong thời điểm này là không nên. Tâm lý người chăn nuôi khi thấy giá lợn nhích lên thì ồ ạt mua lợn về nuôi dẫn đến dịch bệnh “thiệt đơn, thiệt kép”. Trước hết, là người chăn nuôi thiệt hại, nhà nước cũng tốn kém và đặc biệt lo ngại nhất là mất khả năng kiểm soát.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi...
Công điện số 09/CĐ- UBND ngày 25/7/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương trong việc tạm dừng việc nhập lợn từ các tỉnh khác vào địa bàn để nuôi làm giống, thương phẩm. Lợn vận chuyển vào giết mổ phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP.
Theo đó, các địa phương, đặc biệt là vai trò cấp xã phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng kịch bản, đồng thời giám sát chặt chẽ, phát hiện xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm theo quy định.
... giám sát chặt chẽ tại các chốt gác trên địa bàn vào ra vùng dịch
"Mặc dù đến thời điểm này số lợn bị dịch buộc phải tiêu hủy trên địa bàn Hà Tĩnh mới chiếm khoảng hơn 0,3% so với tổng đàn, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát cao. Bởi vậy, các ngành liên quan đến địa phương không được chủ quan, lơ là phải tiếp tục “chống dịch như chống giặc” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước" - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.