Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.624 ha cây trồng các loại (tương ứng với 243 cơ sở lĩnh vực trồng trọt) được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn
Những tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh không nằm ngoài khó khăn của nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, với vai trò trụ đỡ, tăng trưởng toàn ngành vẫn duy trì ở mức 1,97%; cơ cấu chuyển biến tích cực theo hướng đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Xác định “đi đường dài” trong hành trình sản xuất bền vững, cách đây hơn 1 năm, HTX Sản xuất rau, củ, quả và Dịch vụ tổng hợp xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đã quyết định xây dựng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Đăng Mạnh - Giám đốc HTX chia sẻ: “Việc đạt các tiêu chuẩn sẽ là điều kiện để HTX xây dựng thương hiệu riêng, mở “cánh cửa” thị trường rộng lớn và bền vững hơn. Hiện nay, các sản phẩm dưa (dưa lưới, dưa lê, dưa chuột…) của HTX đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Ngoài cung cấp cho chuỗi cửa hàng nông sản Thành Sen mart, HTX chủ yếu xuất đi các tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi đang kết nối với một số đầu mối để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài”.
Nhờ đầu tư bài bản, các sản phẩm dưa (dưa lưới, dưa lê, dưa chuột…) của HTX Sản xuất rau, củ, quả và Dịch vụ tổng hợp xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Mục tiêu của TP Hà Tĩnh là phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, thương mại, dịch vụ. Hiện, các cơ sở, vùng sản xuất đều xác định hướng đầu tư và tổ chức sản xuất theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm tăng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế (UBND thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Thành phố đã xây dựng được 9 HTX làm “đầu kéo” trong nông nghiệp và tạo liên kết, từng bước hình thành hệ sinh thái chung; hỗ trợ 5 vùng sản xuất xây dựng quy trình chứng nhận VietGAP; thực hiện cấp mã vùng trồng giúp sản phẩm có điều kiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước…”.
Việc lựa chọn các quy chuẩn, tiêu chuẩn dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên trở thành “tấm vé thông hành” cho sản phẩm cam, bưởi ở huyện Hương Khê.
Việc lựa chọn các quy chuẩn, tiêu chuẩn trở thành “tấm vé thông hành” cho sản phẩm cam, bưởi ở huyện Hương Khê.
Bà Hồ Thị Hà - thành viên Tổ hợp tác Sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân (xã Hương Trạch) cho biết: “Để đạt được tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP là việc hết sức khó khăn, phải trải qua quá trình kiểm định rất khắt khe. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bằng được vì một khi sản phẩm bưởi đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch thì có thể cạnh tranh ở phân khúc thị trường cao cấp trong nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài”.
Sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ).
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm cao, chỉ đạo lồng ghép chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đạt chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.624 ha cây trồng các loại (tương ứng với 243 cơ sở lĩnh vực trồng trọt) được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 14 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 16 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 10 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP, ISO và 23 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận.
Ông Lê Tùng Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh đánh giá: “Sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đang trở thành vấn đề “sống còn” để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Đây cũng chính là lộ trình căn bản để nông nghiệp Hà Tĩnh từng bước thực hiện tốt việc gắn quản lý chất lượng với truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xa hơn là tiến tới xây dựng nền sản xuất an toàn, minh bạch, bền vững - sản xuất hữu cơ”.
Hà Tĩnh đã có 1 cơ sở (HTX Gia Phúc, xã Thường Nga, Can Lộc) được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ - vừa là quá trình, vừa là đích đến
Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định “tiếp tục triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, thông minh… để đánh giá và nhân ra diện rộng”.
Trong thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ được các địa phương và bà con nông dân quan tâm tìm hiểu, áp dụng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là sản xuất lúa gạo hữu cơ, vườn cam, bưởi Phúc Trạch.
Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã có 1 cơ sở (HTX Gia Phúc, xã Thường Nga, Can Lộc) được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, 1 cơ sở (HTX Bưởi Phúc Trạch hữu cơ Hương Thủy, Hương Khê) được chứng nhận theo hướng hữu cơ và 1 cơ sở (HTX Thanh niên Thành Sen) có giấy xác nhận chuyển đổi hữu cơ. Cùng đó, các mô hình chuyển giao sản xuất theo hướng hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cũng từng bước thay đổi tư duy của người dân.
Các mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cũng từng bước thay đổi tư duy của người dân.
Sau 2 vụ sản xuất thí điểm, mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) đã mở ra cho người dân hướng sản xuất mới. Ông Nguyễn Tiến Dân - Bí thư Chi bộ thôn Đậu Giang chia sẻ: “Phấn khởi nhất là người dân đã hiểu hơn về sản xuất hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, các loài sinh vật như rươi, ốc, cáy, cà cuống... vốn có trong tự nhiên ngày càng trở lại nhiều hơn. Lúa gạo chúng tôi sản xuất được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tiêu thụ với giá cao hơn các loại lúa khác”.
Đồng hành cùng người dân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với những chính sách “trợ lực” thực sự. Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 51-NQ/HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025… trở thành đòn bẩy cho các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp.
Huyện Can Lộc tập trung thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết 06-NQ/TU.
Đặc biệt, quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU trở thành cuộc cách mạng lớn, thay đổi căn bản tổ chức sản xuất ở địa phương. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, tổng diện tích thực hiện cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, cho thuê quyền sử dụng đất toàn tỉnh đạt gần 8.550 ha. Những cánh đồng lớn, đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, giao thông cũng mở ra cơ hội ứng dụng tiến bộ KHKT để sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, hữu cơ tuần hoàn có liên kết với doanh nghiệp.
Vùng nuôi trồng thủy sản gắn du lịch sinh thái Đồng Ghè (xã Thạch Hạ) được quy hoạch, đầu tư bài bản, tạo điều kiện cho người sản xuất đầu tư kinh tế nông nghiệp bền vững.
Tỉnh ta đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, trên cơ sở phát triển sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và theo hướng hữu cơ, hữu cơ tuần hoàn có liên kết theo các chuỗi giá trị.
Ngành sẽ tập trung triển khai tốt các chương trình, kế hoạch nhằm phát huy tối đa các chính sách của tỉnh; phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; đầu tư xây dựng, đánh giá, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ. Đồng thời, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng…