Cơ sở nuôi tôm của anh Phan Xuân Nhì
Cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Phan Văn Nhì, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà có diện tích 2,3 ha. Anh Nhì cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho tôm nuôi trong mùa nắng nóng, tôi đã đầu tư hệ thống giếng khoan lấy nước ngọt nhằm hạ độ mặn trong ao khi cần. Quá trình nuôi tôi còn sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn khép kín tái tạo nguồn nước sử dụng với mục đích chủ động cấp cho ao nuôi đầy đủ và hạn chế sự tác động của các yếu tố bên ngoài.”
Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, anh Nhì cũng đã tăng cường sục khí, quạt nước và cấp nước cho ao đầy đủ để làm mát nước. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ và hạn chế tảo phát triển.
Thức ăn cho tôm được anh Nhì ưu tiên sử dụng các loại có độ bụi ít, tan chậm trong nước và có hệ số chuyển đổi thấp; bổ sung men tiêu hóa, vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Anh Dương Quốc Khánh đang kiểm tra tôm nuôi
Anh Dương Quốc Khánh (TP Hà Tĩnh) đầu tư xây dựng cơ sở nuôi tôm công nghệ cao hơn 4ha tại Đồng Ghè, Thạch Hạ. Để hạ nhiệt và hạn chế tảo trong ao nuôi phát triển thời điểm nắng nóng, gia đình anh đã đầu tư hàng trăm m2 lưới và bạt che nắng cho tôm. Mực nước trong bể nuôi luôn đạt 1,3 - 1,4m, sục khí, quạt nước thường xuyên để làm mát môi trường nước và cung cấp đủ oxy cho tôm. Mật độ thả vừa phải để giảm stress cho tôm khi trời nóng và cho tôm ăn đúng khẩu phần phù hợp với quy trình, tránh dư thừa. Bởi, khi trời nắng, nhiệt độ tăng, tôm sẽ giảm ăn, do vậy chỉ cho lượng thức ăn bằng 70 - 80% so với bình thường.
“Nên cấp nước cho ao vào buổi tối vì khi đó nhiệt độ giữa ao chứa nước đã xử lý và ao nuôi cân bằng, tránh ảnh hưởng đến các yếu tố thủy lý, thủy hóa và đặc biệt là tảo (vì khi nhiệt độ tăng cao tảo sẽ phát triển nhiều hơn trong môi trường nước). Để hạn chế tảo phát triển nhiều tôi thường sử dụng chế phẩm EM xử lý vào thời điểm 21h hoặc 1 - 2h sáng. Nhờ áp dụng đồng thời các giải pháp trên nên đã cải thiện tốt sức khỏe con tôm cũng như các yếu tố môi trường”- anh Khánh nhấn mạnh.
Cơ sở nuôi tôm của anh Nguyễn Xuân Thủy
Đã nhiều năm thành công trong nghề nuôi tôm, anh Nguyễn Xuân Thủy tại thị trấn Thạch Hà có nhiều kinh nghiệm về việc chăm sóc tôm trong mùa nắng nóng. Anh Thủy cho biết: “Đối với ao nuôi là ao bạt, tôi sử dụng lưới lam chống nắng căng phủ phía trên để hạn chế bức xạ mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, hạn chế tảo phát triển và tránh gây sốc cho tôm. Còn với ao đất, tôi luôn cung cấp đủ nước, đảm bảo độ sâu và tăng cường quạt nước sục khí làm mát để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, cũng như cung cấp dưỡng khí cho tôm nuôi.”
Kinh nghiệm cho thấy, khi nhiệt độ tăng cao kéo dài và kèm theo các trận mưa dông bất chợt, tảo phát triển nhiều và tàn nhanh nên tôm hay bị dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Vì vậy, về mùa này để hạn chế sự phát triển của tảo, cần thay nước vào buổi tối và sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì các yếu tố môi trường nước trong khoảng thích hợp. Trường hợp khi tảo phát triển quá dày, cần tăng cường chạy quạt nước nhiều hơn, sử dụng vôi CaCO3 và CaO đánh xuống ao vào thời điểm 21 - 22h, kết hợp thay nước và dùng chế phẩm EM số lượng nhiều hơn. (Nếu là tảo thuần thì khi sử dụng biện pháp này 2 ngày liêu tục, tảo sẻ mượt, sáng bóng hơn. Còn nếu là tảo lam hoặc tảo giáp thì khi sử dụng liên tục 4 - 5 ngày thì tảo sẽ hết).
Theo ông Lương Sỹ Công - Phó Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, cơ quan chuyên môn cần tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi trồng an toàn để giúp người dân phòng chống nắng nóng hiệu quả, hạn chế rủi ro cho nghề nuôi tôm.