Dạy con theo cách nhẹ nhàng, thủ thỉ không cảm hóa được tính xấu của con. Ảnh minh họa
Là người chịu khó đọc sách nên chị Thủy áp dụng phương pháp dạy con tốt nhất. Thấy nhiều đứa trẻ khi trưởng thành vẫn bị tổn thương bởi đòn roi, lời chửi mắng của bố mẹ nên chị Thủy quán triệt cả hai vợ chồng là không bao giờ dùng bạo lực để dạy con. Chị tin rằng, những lời yêu thương, thủ thỉ của bố mẹ sẽ cảm hóa đứa trẻ, sẽ thay đổi mọi tính xấu của con.
Không thể phủ nhận con trai chị khá ngoan và nghe lời bố mẹ. Thế nhưng, sau lưng bố mẹ, cậu “biến” thành người khác. Cậu phá phách đồ dùng nhà người khác, nói trống không với người lớn, cãi người lớn xơi xơi cùng thái độ rất khó chịu, cậu lấy trộm tiền của ông bà, trộm đồ dùng của bạn, đánh bạn vì bạn không cho chơi cùng…
Khi thấy người khác mách tội con, thay vì phạt con hay dạy con một cách nghiêm khắc chị Thủy lại thủ thỉ với con: Làm như thế là hư, sau này con không được như thế con nhé… Con nhớ là cần gì thì bảo mẹ mua, hoặc muốn thì gì phải xin phép mọi người… Chị Thủy nghĩ, cậu con trai 6 tuổi sẽ hiểu những lời mẹ nói và sẽ không phạm sai lầm nữa. Những lời giảng giải của mẹ sẽ khiến ý thức của con thay đổi và sẽ khiến con trở nên hiểu biết, trưởng thành hơn.
Mẹ nhẹ nhàng, không bao giờ quát mắng, nhưng hôm sau con trai chị vẫn “chứng nào tật nấy”, vẫn làm phiền khiến người khác phát điên, vẫn mang đồ của người khác về nhà…. Trong đầu, cậu không nhớ gì đến lời mẹ dạy bởi nếu có lặp lại những điều mẹ không cho phép đó, cậu không bị phạt, bị mắng. Thậm chí, cậu còn xấu tính đến mức phá phách đồ dùng, lấy trộm tiền của ông bà chỉ vì ông bà “dám” nói to với cậu, quát cậu khi cậu hư và không đáp ứng yêu cầu của cậu…
Khi con phạm luật, con cần bị phạt để hiểu ra mình đã sai. Ảnh minh họa
Theo TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội), chính việc dạy con theo kiểu giảng giải, thỏa hiệp, đàm phán, nịnh nọt, dỗ dành như chị Thủy sẽ khiến những đứa trẻ phá phách, thích làm theo ý mình, thích ăn vạ, không ai dạy bảo được…
Việc cha mẹ không dùng bạo lực để dạy con là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, không thể có chuyện trẻ hư mà không bị phạt. Bởi, nếu không bị phạt, con sẽ thấy đòi hỏi thật dễ dàng. Con sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng khi được đáp ứng yêu cầu vì… lúc nào chẳng được đáp ứng. Vì thế, chẳng bao giờ con thấy vui.
Vì thế, các bố mẹ nên ngừng thỏa hiệp, đàm phán với con. Hãy cho con biết luật lệ và phạt khi con phạm luật. Phạt không bằng cách đánh mắng mà chỉ xử theo luật. Có thể đơn giản chỉ là đứng lên ngồi xuống hay ngồi một góc trong phòng… Khi con phạm luật, bố mẹ có thể ôm con vào lòng chia sẻ, nhưng tuyệt đối vẫn phải tuân thủ luật, con vẫn bị phạt. Đến lúc đó, con sẽ không thấy bố mẹ ác, xấu mà hiểu ra là mình đã sai, mình phải chịu phạt. Khi con bị kỉ luật, con sẽ phải chịu thiệt, đau buồn vì không được ăn, vì phải làm điều mình không thích... Kỉ luật mà không đau đớn thì chỉ là trò chơi, sẽ không có tác dụng gì. Thái độ cương quyết của cha mẹ sẽ giúp con không phạm sai lầm và thay đổi theo hướng tích cực hơn.