Đã không ít lần, chị Nguyễn Thị Hương (TP Hà Tĩnh) phải trải qua tình huống ngại ngùng khi con trai chị được khách đến chơi nhà lì xì ngày tết.
Lì xì là phong tục tốt đẹp đầu năm mới. (Ảnh minh họa internet).
Sau khi nhận phong bao lì xì, cu Bon - con trai chị Hương không ngần ngại bóc ngay trước mặt khách. Trong khi mẹ còn bận rót nước mời khách thì cu cậu mang tờ tiền mệnh giá 20 nghìn nói với mẹ: “Chỉ 20 nghìn thôi mẹ à, ít hơn của bác lúc nãy mẹ nhỉ?”.
Ngượng ngùng, xấu hổ là cảm giác mà cả chị Hương lẫn khách phải trải qua lúc đó. “Tôi chỉ mong có lỗ dưới chân để chui xuống cho đỡ ngượng. Ngay sau khi khách về, tôi phải giảng giải về văn hóa lì xì cho con”, chị Hương chia sẻ.
Chuyện của mẹ con chị Hương không phải là hiếm trong nhiều gia đình ngày tết. Nhiều trẻ dù được bố mẹ nhắc nhở phải lễ phép khi được người lớn lì xì, nhưng đến lúc nhận lại chẳng một lời cảm ơn.
Để tránh những tình huống “dở khóc dở cười” như thế, việc dạy con cách nhận lì xì là một điều hết sức cần thiết mà cha mẹ nào cũng nên lưu tâm chỉ dạy cho con.
Vì mang ý nghĩa tượng trưng, tiền lì xì cho trẻ không nên là những mệnh giá lớn như thế này. (Ảnh minh họa internet)
Tiền lì xì chỉ là giá trị tượng trưng thế nên trẻ cần được dạy không nên quá quan trọng nhiều hay ít. Cũng chính vì vậy, người lớn không cần phải mừng tuổi trẻ nhiều tiền mà chủ yếu là món quà động viên tinh thần với lời chúc mong bé một năm mới khoẻ mạnh, học giỏi, ngoan ngoãn hơn.
Bố mẹ cũng cần dạy bé nhận tiền mừng tuổi với thái độ trân trọng và lễ phép nhất, không nên bóc bao lì xì ngay trước mặt khách. Anh Võ Văn Hoàng (TX Kỳ Anh) cho biết: “Ngoài lời cảm ơn, tôi thường nhắc con gửi lời chúc may mắn, mạnh khỏe đến người lớn để dạy con lòng biết ơn, biết quan tâm đến người khác”.
Việc quản lý tiền mừng tuổi như thế nào cho hợp lý cũng là điều đáng bàn, bởi cả năm thì tết mới là dịp các con có trong tay một khoản tiền khá lớn. Hầu hết các gia đình vẫn chọn cách mua cho con một chú heo đất xinh xắn để cất tiền lì xì. Thế nhưng, sau tết, món tiền này được dùng như thế nào thì không phải gia đình nào cũng thống nhất, đặc biệt là những gia đình có trẻ lớn.
Trẻ cần được cha mẹ giáo dục cách nhận và quản lý tiền lì xì. (Ảnh minh họa internet).
Cách giải quyết của chị Minh Châu (TP Hà Tĩnh) có vẻ là một lựa chọn khá hợp lý mà các phụ huynh nên tham khảo. Chị Minh Châu có một con trai học lớp 7 và một bé gái 4 tuổi. Với con trai lớn, chị Châu sẽ cho cháu nhận một phần nhỏ tiền lì xì của mình và mua món đồ mà con yêu thích với sự tư vấn của bố mẹ.
Phần lớn tiền của cậu lớn và em gái nhỏ sẽ do mẹ quản lý và đến những ngày lễ như 8/3, 20/10, sinh nhật ông bà..., các con sẽ bàn bạc trích một phần tiền trong đó mua quà tặng mọi người; mua đồ dùng học tập cho bản thân hoặc đóng góp vào chi phí của các chuyến đi du lịch cùng cả gia đình...
“Với cách làm đó, các con tôi rất đồng thuận và chúng cũng thấy tự hào vì cảm giác có được tài khoản của riêng mình. Những đồng tiền mừng tuổi cũng được chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí” - chị Châu chia sẻ.