Ngoại tình tư tưởng có lỗi không?

Ranh giới của tư tưởng mong manh đến mức khó đặt ra giới hạn. Chuyện bắt đầu từ những rạn vỡ khi sợi dây của tâm hồn bắt đầu đổi thay lạ lẫm.

ngoai tinh tu tuong co loi khong

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Chẳng ai muốn tồn tại trong cuộc hôn nhân ít vị. Thế nhưng không ít cặp vợ chồng khi đã có con với nhau, sống bằng tình thương và trách nhiệm là chính. Kiểu trách nhiệm vì ta đã chọn nên phải giữ. Hay đó là kiểu trách nhiệm cứ cố gắng vì con...

Cô đơn trong chiếc áo hạnh phúc

Cưới nhau hơn mười năm, hai vợ chồng có đủ những gì cần có của một cặp vợ chồng trẻ. Một gái, một trai, một căn hộ, hai xe máy xịn nhất nhì. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ.

Hằng ngày, chị chẳng biết làm gì khi đêm xuống thật sự lúc hai con đã ngủ. Vì anh chẳng còn nói chuyện với chị sau khi mặt trời lặn đã ba năm nay do bận bịu. Rời khỏi công ty rất muộn, anh vẫn còn những hợp đồng, mối quan hệ cùng với đối tác.

Nhưng chị đã quen dần nên chẳng đợi, chẳng trông. Hình ảnh ai đó của khu cao ốc đối diện đứng nhìn thành phố lên đèn thường xuyên làm chị nhớ. Nhiều khi chẳng rõ anh ấy là ai nếu không vô tình nhìn thấy cái đầu húi cua mới ủi ngay siêu thị mini khu cao ốc tuần rồi.

Chị nhìn anh, anh nhìn chị. Cả hai chẳng nói gì chỉ gật đầu nhè nhẹ. Nhìn mà chẳng nói, chị biết tim mình nhún nhảy. Sự nhún nhảy bất thường của trái tim khô cằn vì kiểu ràng buộc trách nhiệm non nớt, mỏng dính những rung động của tình yêu sau hôn nhân.

Thực tế, đó là kiểu ngoại tình tư tưởng.

Nhiều khi chẳng phải không hài lòng về cuộc sống sau hôn nhân, cũng chẳng phải có người thứ ba rõ ràng và cụ thể để hành vi ngoại tình xuất hiện. Nhưng chữ “phụ” cứ len lỏi và vụt sáng đôi khi nếu mối quan hệ chung sống sau hôn nhân dần dần trở nên nứt nẻ...

Nứt nẻ ở đây là do lằn ranh của sự tương tác, do sự gắn kết dần buông keo, do sự cảm nhận về bóng hình lý tưởng thay đổi dẫu mơ hồ, dẫu lung bung không định dạng.

Nhiều khi người ta cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Chẳng cần lãng mạn, chẳng cần quá tham lam, chẳng cần quá đa tình, phụ nữ dễ để tâm hồn lang thang vì tổn thương tự thân xuất phát từ lòng tham, từ cái nhìn phóng chiếu về một khái niệm hạnh phúc mang tính mơ hồ...

Không chỉ dừng lại ở mức độ ấy khi sự thật của hành vi đã bắt đầu manh nha. Bắt đầu cảm thấy người chung sống với mình bây giờ khác xưa nhiều quá. Mọi thứ cứ vụn rơi dần...

Không biết tự thuở nào, anh với chị mất dần cảm xúc khi gọi nhau bằng anh bằng em hay tên của nhau ngọt lịm. Thay vào đó là kiểu nói trống không: “Ăn cơm không, dọn nhé!”. Tin nhắn của anh cũng gọn đến mức bất ngờ: “Vễ trễ! Sau 11 khuya!”.

Cũng chẳng biết từ bao giờ hình ảnh của vài người đàn ông trong những câu chuyện soái ca đa tình của một trang web trở thành bạn của chị. Nhiều khi chẳng biết làm gì, chỉ biết xem và ngẫm...

Nhưng người trong cuộc không gặp, không nói chuyện bằng điện thoại, không muốn thân hơn. Cảm giác cứ thấy có lỗi cứ đeo mang nhưng rồi tự tha thứ cho mình. Vì có làm gì đâu ngoại trừ những lúc mân mê chiếc điện thoại như một thói quen trong tiềm thức.

Không có lỗi, sao kết án mình là kẻ ngoại tình? Nhưng nếu chẳng phải thình lình nhớ, thình lình thương sao chẳng thể buông chiếc điện thoại dù đôi khi chỉ là câu bông đùa vớ vẩn...

Tình trạng xa xót, cô đơn ấy là kiểu cảm xúc của ngoại tình tư tưởng. Không hài lòng về người chung sống, người ta bắt đầu thấy mình khó thở. Lại mơ, lại ngờ, lại mộng, lại không, không ít người vợ thở dài trong tâm tưởng hai chữ ngoại tình tưởng tượng.

Lối thoát cho tâm hồn

Thật xót xa khi ngọn lửa tình yêu lụi tàn mà chiếc đuốc hạnh phúc vẫn cứ trưng trổ bằng sĩ diện. Nhưng họ là người có lý trí nên có thể chỉ ngoại tình tư tưởng. Cái có thể này đó chính là hành lang giải thoát cho hành vi không phạm lỗi.

Kiểu suy nghĩ về tình yêu này là biểu hiện của sự tự nguyện ký kết hợp đồng ràng buộc đời mình cho một khung cửa sổ, một căn chung cư hay một biệt thự hào nhoáng đầy màu sắc hạnh phúc bên ngoài nhưng bên trong cứ cô đơn đến lạ...

Trái tim cứ đập theo những trách nhiệm thì thật là chán chường đến mức tệ hại. Nhưng chẳng thể cho mình chọn lựa.

Cứ cho phép mình trong tâm tưởng có một góc riêng, cứ cho phép mình lãng mạn thêm chút khi gặp ai đó trong thực tế tương thích với mong mỏi của chính mình... thời hiện tại!

Cũng chẳng biết hành vi ngoại tình tư tưởng này sẽ diễn tiến ra sao. Cái gọi là hành vi nói thế thôi nhưng màu sắc và bản chất thì hẳn là cảm xúc. Đó chính là kiểu phản ứng gắt gỏng với người chung sống, là vài phút buông rơi con để ôm khư khư chiếc laptop của riêng mình...

Không chỉ thế, còn là vài giờ cho con tim mình lén lút đi hoang, vài buổi cho mình tự gây nhớ thương đối tác và kịp thời dừng lại vì biết rằng chỉ vui vậy thôi chứ không muốn khác...

Thế nhưng, mọi sự sẽ không thể dừng lại khi đến một ngày nào đó cảm xúc sống thật cứ chực chờ bùng nổ. Đến khi không thể nong vành trái tim chịu đựng, người ta có thể sẵn sàng thay “van tim tình yêu” bởi muốn sống cho mình, muốn đi tìm chân trời hạnh phúc.

Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của tư tưởng. Cũng chính sức mạnh của tư tưởng, suy nghĩ nên không thể kiểm soát được cảm xúc và hành vi tịnh tiến.

Mọi thứ có thể xuất hiện và ta quỵ ngã ngay trong chính bức tường giới hạn của mình là không phạm lỗi.

Vậy sao chúng ta không quay lại tìm sự đồng cảm, sẻ chia từ chính người chung một mái nhà? Nếu thấy chẳng thể như xưa sao không nói với nhau để cùng điều chỉnh?

Thay đổi từ sớm và nhận ra những tín hiệu đáp ứng sau kích thích thẳng thắn với người ấy sẽ làm mỗi người ít nguy cơ tổn thương khi đã lỡ chủ quan thái quá! Đó là hành vi và thái độ trách nhiệm để dựng xây tổ ấm của mình.

Ngoại tình tư tưởng còn là kiểu cố gắng duy trì một mối quan hệ không vượt giới hạn với đối tác khác.

Đó là kiểu hành vi không mà có, có nhưng không! Vì chẳng cho phép mình hẹn hò riêng khi mình đã có gia đình. Cũng chẳng cho phép mình tạo cơ hội để người ấy biết cảm xúc của ta dày lắm, sâu lắm đến mức hình ảnh người ấy dần choáng ngợp trong tâm trí.

Chẳng thể kết án cho một hành vi ngoại tình tư tưởng khi mọi thứ vẫn còn an toàn. Tuy nhiên có lẽ đó chỉ là bề mặt!

Hệ lụy không phải là chuyện hôm nay, mà là chuyện của mai sau. Đó chính là những tan vỡ được tiên lượng từ trái tim...

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.
Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Chúng ta có thói quen tra cứu trên Google và thường xem kết quả đầu tiên tìm được mà không đào sâu vào độ tin cậy của thông tin.