Nhân sâm có 3 loại: sâm núi, sâm lấy ở núi đem về nhà trồng và sâm tự gieo trồng. Sâm núi phẩm chất tốt giá rất cao; sâm đánh từ núi rừng đem về nhà trồng giá trị thứ 2; còn sâm tự gieo trồng chỉ là loại 3 thường bán ở các quầy hàng, nhãn hiệu đẹp nhưng giá trị thấp, cần phân biệt chính xác.
Nhân sâm tính hơi lạnh, vị ngọt, không độc. Trong sâm có loại saponin sterolic, một ít tinh dầu làm cho nhân sâm có mùi đặc biệt; có các vitamin B1, B2, các men diataza, tro, axít photphoric và các tạp chất khác. Nhân sâm chuyên trị tạng tâm suy nhược, ăn uống tiêu hóa không tốt, là thuốc bổ mạnh nguyên khí và tinh thần, sinh tân dịch, bệnh lâu nguyên khí hư tổn cần phải dùng.
Công năng của nhân sâm là làm thuốc tăng cường sinh lực. Những người phế lao, thần kinh suy nhược... Nhân sâm cũng dùng trị ngũ tạng suy yếu làm yên tinh thần...
Nhân sâm.
Tuy nhân sâm đại bổ nhưng dùng nhiều cũng có hại lớn: nếu dùng lâu, quá liều lượng có thể làm dạ dày đầy chướng không thèm ăn uống. Trên lâm sàng, quan sát thấy một số bệnh nhân dùng nhân sâm lâu dài thường có tình trạng mất ngủ, giảm khoái cảm, dễ kích động, ngứa họng, thậm chí có hiện tượng hưng phấn thần kinh làm tăng huyết áp, nổi rôm, sáng sớm đi lỏng.
Đông y cho rằng, phàm những bệnh ứ hơi trong phổi, tức ngực, chưa giải được tà khí bên ngoài và chứng nhiệt thì không được dùng nhân sâm. Những người âm hư hỏa vượng mà dùng nhân sâm thường mắc chứng bí đại tiện, chảy máu cam. Người bị ngoại tà mới bị cảm mà không có chứng hư bên trong nếu dùng nhân sâm thì sinh ra tình trạng thuốc bổ thu hút tà khí đọng lâu tà khí bên trong gây bệnh tình thêm trầm trọng. Đặc biệt, cho trẻ sơ sinh uống nước sâm với hy vọng khỏi bị bệnh, chóng lớn là hoàn toàn sai lầm! Trẻ sơ sinh là thể thuần dương, các khí quan nội tạng chưa phát triển hoàn thiện, công năng điều tiết thần kinh kém mà nhân sâm là thuốc đại bổ nguyên khí lại kết hợp với thể thuần dương, quả là cho đầu vào lửa.
Ngoài ra, các cháu nhi đồng cũng không nên cho ăn những thực phẩm có nhân sâm như bánh nướng nhân sâm glucoza trường thọ, bột sữa nhân sâm... Bởi vì nhân sâm có tác dụng phân tiết kích thích tố, nếu các cháu ăn số lượng lớn thực phẩm nhân sâm sẽ dậy thì quá sớm, ảnh hưởng tới sự phát dục bình thường của các cháu. Những người đang có bệnh viêm túi mật, viêm gan, khi không muốn ăn uống, bựa lưỡi quá dày mà uống nhân sâm có thể làm giảm sự thèm ăn uống đồng thời xuất hiện các chứng mất ngủ, ngực khó chịu, nôn nóng, choáng. Trong thời gian bị cảm mạo mà dùng nhân sâm có thể tích tụ tà bệnh, làm bệnh nặng thêm, gây sốt cao. Nói chung nhân sâm là loại thuốc bổ khí quý giá nhưng tùy người, tùy sức khỏe mà dùng đúng thì có lợi lớn; trái lại thì có hại to. Người không có bệnh mà dùng một lượng quá lớn hoặc dùng một lượng rất ít nhưng với thời gian dài cũng có thể gây ra những hậu quả không tốt. Người có nhu cầu dùng nhân sâm cũng phải dùng với lượng thích hợp, tuyệt đối không dùng quá nhiều hoặc dùng lâu dài nhằm tránh gây ra những tác dụng phụ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Rượu nhân sâm.
Một số bài thuốc chữa bệnh có nhân sâm
Mồ hôi ra nhiều vong dương: nhân sâm 10g, ngũ vị tử 8g, hoàng kỳ 8g, thược dược 8g. Sắc uống.
Tự ra mồ hôi: nhân sâm 10g, bạch truật 8g, hoàng kỳ 8g, thược dược 8g. Sắc uống trong ngày.
Trị hốt hoảng, kinh quý, hồn phách không định: nhân sâm 10g, phục linh 10g, viễn chí 6g, ích trí nhân 6g, mạch môn 8g. Sắc uống.
Trị động kinh: nhân sâm 10g, ngưu hoàng 8g, tê giác 8g, thiên trúc hoàng 8g, câu đằng 10g, chu sa 5g, hùng hoàng 6g, trân châu 8g, phục thần 8g, viễn chí 8g. Sắc uống.
Trị mạn kinh, mạn tỳ phong: nhân sâm 10g, phụ tử 3g, bạch truật 10g, phục linh 8g, cam thảo 4g, thược dược 6g. Sắc uống.
Trị trúng phong cấm khẩu: nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, mạch môn 8g, ngũ vị tử 8g, ngưu tất 8g, câu kỷ tử 8g, xương bồ 6g. Sắc uống.
Trị nhập phòng lao lực quá độ, thoát dương muốn chết, hạ bộ lạnh: nhân sâm 12g, phụ tử chế 8g, nhục quế 6g, mạch môn 8g, ngũ vị 6g. Sắc uống.
Trị trúng lạnh tiết tả: nhân sâm 10g, can khương 6g, bạch truật 8g, chích thảo 4g. Nếu nặng lắm thì thêm phụ tử 4g, nhục quế 4g. Sắc uống.
Trị huyết hư tâm bụng căng đau: nhân sâm 10g, bạch thược 8g, chích thảo 4g. Sắc uống.
Mùa hè nắng nóng, mỏi mệt phế khí hư ho suyễn, tiêu khát: nhân sâm 10g, mạch môn 8g, ngũ vị tử 6g, bạch truật 8g. Sắc uống.
Tỳ vị hư, nôn mửa: nhân sâm 10g, hoắc hương 8g, mộc qua 6g, quất hồng 6g. Nếu phụ nữ có thai nôn mửa thì thêm trúc nhự 6g, tỳ bà diệp 6g. Sắc uống.
Trị sau đẻ huyết vựng: nhân sâm 12g, tô mộc 10g, đương quy 12g. Dùng đồng tiên vừa đủ sắc uống.
Trị đới hạ lâu không dứt: nhân sâm 12g, hoàng liên 10g, ô mai 8g, liên nhục 8g, thăng ma 6g, hoạt thạch 6g, nhục đậu khấu 6g. Sắc uống.
Rượu nhân sâm: nhân sâm 40g, thiên ma, địa phu tử, dâm dương hoắc, xuyên khung đều 40g; rượu 3 lít, ngâm 45 ngày là dùng được, không cho chất ngọt vào ngâm. Nam, nữ đều dùng được, vị thành niên không nên dùng; lượng uống tùy sức mỗi người; không uống lúc bụng đói, chỉ uống trước khi đi ngủ. Công dụng: nhân sâm cường tâm an thần, điều hòa ngũ tạng lục phủ; thiên ma cường tinh bổ não; địa phu tử vượng tinh lực, trị âm hư, lợi tiểu, giải nhiệt, trị thủy thũng; dâm dương hoắc bổ não, tăng trí nhớ, chữa đau gân cốt; xuyên khung lọc máu giúp máu tuần hoàn điều hòa. Hợp các vị trên ngâm rượu uống làm trấn tĩnh tinh thần, trị thần kinh suy nhược hay đau đầu, hoa mắt chóng mặt.