Nương theo nhưng không thỏa hiệp
Chia sẻ về câu chuyện nói “không” với những đòi hỏi của trẻ, chuyên gia giáo dục Phan Hồ Điệp (mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam) cho biết, bà từng gặp một em bé đáng yêu, khuôn mặt bừng sáng. Em chạy về phía mẹ và nói với mẹ câu gì đó, sau đó bà mẹ bật cười khích lệ. Một lúc sau em trèo phắt lên chiếc ghế, cho cả hai chân còn đi giày và với lấy cái micro.
Ảnh minh họa |
“Mình thấy mẹ em cúi xuống và nói rất rõ ràng: Không được. Em bé vẫn bám lấy cái micro không muốn rời ra. Em bắt đầu mếu máo: Con lấy, con lấy. Bà mẹ nhắc lại: Con muốn lấy, con muốn lấy micro đúng không? Nhưng không được. Em bé bắt đầu khóc, vừa khóc vừa gào. Bà mẹ vẫn nói đúng những câu ấy: Con muốn lấy, con muốn lấy. Nhưng không được. Em bé thoáng nhìn mẹ rồi loay hoay trèo xuống ghế. Bà mẹ tiến đến gần và ôm con, mẹ nói thầm vào tai con điều gì đó. Rồi em bé lại lon ton chạy đi chơi”, bà Phan Hồ Điệp kể lại.
Chuyên gia Phan Hồ Điệp đã rất “ngưỡng mộ” cách xử lý của bà mẹ này. Bởi bà mẹ này đã thực hiện những điều tưởng như rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả trước những “yêu sách” tưởng như vô lối của trẻ. Theo đó, mẹ thần đồng Nhật Nam cũng chia sẻ bí quyết trị thói mè nheo, yêu sách của trẻ.
Đầu tiên, người lớn cần nói ngắn gọn với trẻ. Đối với trẻ 2-3 tuổi, những câu cần dùng mệnh lệnh, bạn chỉ nên nói 2-3 từ, cùng lắm là 5 từ. Đừng dài dòng vì trẻ sẽ không tiếp nhận được hết những gì bạn nói vào thời điểm đó đâu.
“Tiếp đến bạn cần lặp đi lặp lại yêu cầu của mình. Theo đó, bạn có để ý thấy khi trẻ đòi gì đó, trẻ thường lặp đi lặp lại không. Vậy thì mình có thể học cách đó để giao tiếp với trẻ trong lúc con nổi cáu. Bạn nên lặp lại chính câu mà trẻ nói. Điều này mình đã được đọc trong một lời khuyên của một bác sỹ khi ông phải làm việc trong phòng khám nhi và bé nào vào cũng khóc, la, giãy giụa. Bác sỹ đã kiên nhẫn lặp lại đúng câu mà trẻ đang nói trong sự giận dữ hoặc nước mắt, ví dụ: Mở cửa ra/ Bỏ con ra/ Đi ra ngoài/ Con ghét mẹ… Và thật đáng ngạc nhiên là trẻ khi nghe thấy thế lại dừng lại và nhìn về phía người nói câu đó”, bà Phan Hồ Điệp nói.
Song song với đó, người lớn nên dùng ngữ điệu thích hợp, khi con bạn đang kêu khóc, bạn cũng đừng nên dùng với giọng đều đều, du dương, dỗ dành, bạn cần một giọng nói thể hiện sự đồng cảm. Ví dụ con đang buồn thì bạn cũng thể hiện một chút nỗi buồn trong đó, con đang giận dữ bạn cũng thể hiện việc hiểu rằng con giận dữ. Điều này bạn cần luyện tập cho đến khi nào bạn thấy hiệu quả thì thôi.
Khi cần thiết hãy bỏ mặc trẻ một mình
Các bố mẹ cũng cần chú ý đến biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ. Từ 1 tuổi, trẻ hoàn toàn có thể hiểu được những biểu cảm trên khuôn mặt người lớn. Vì thế, những biểu cảm như sau nên được sử dụng khi bé giận dữ: Gật đầu, cúi xuống, quỳ hoặc ngồi xuống để khuôn mặt con ở vị trí cao hơn so với mình; nhẹ nhàng nắm tay con; nhìn vào mắt con và khuôn mặt bạn khi ấy phải thể hiện được rằng: Mẹ biết chính xác là con cảm thấy như thế nào; ôm con; nếu bạn không thể giữ được bình tĩnh, hãy đi đâu đó một lúc và quay lại sau khoảng nửa phút hoặc một phút.
“Trẻ em luôn nhạy cảm với sự công bằng và tôn trọng. Hãy tin rằng bạn làm tất cả những điều đó là để có được một em bé biết tôn trọng người khác”, chuyên gia Phan Hồ Điệp nhấn mạnh.
Nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy mệt mỏi, bực bội khi phải trông con, nhưng theo chuyên gia Phan Hồ Điệp các bậc phụ huynh nên để trẻ yêu thương bản thân mình. Đừng so sánh trẻ với trẻ khác, ngay cả cùng anh em trong nhà cũng không. Bạn cũng đừng ngần ngại trao cho con sự khích lệ, nụ cười. Những đứa trẻ yêu thích bản thân là những đứa trẻ hạnh phúc.
“Đặc biệt, nuôi dưỡng trẻ con cũng cần trình tự: Có những giai đoạn đứa trẻ khiến bạn hoang mang, lo lắng vì sự thay đổi bất thường của chúng. Nhưng chỉ cần bạn kiên trì dạy một cách có nguyên tắc thì một thời gian sau sẽ đâu vào đó. Đừng mong chờ sự “vượt cấp” của con, hãy tin “trăng đến rằm trăng tròn”.
Và hãy yêu trẻ theo cách mà trẻ muốn. Ví như bạn muốn con đi tắm vì mong chúng sạch sẽ, khỏe mạnh nhưng đứa trẻ chỉ nghĩ là đi tắm để được nghịch nước. Hãy tận dụng điều đó để nói với trẻ về những lần chuẩn bị đi tắm và nghĩ ra một số cách để trẻ cảm thấy thực sự thích thú vì điều đó.
Bạn cứ nghĩ con sẽ không biết điều đó nhưng kì thực không phải vậy. Chỉ cần bạn thay đổi thái độ, vui vẻ hơn, hào hứng hơn thì ngay cả một em bé 5,6 tháng tuổi cũng có thể cảm nhận được và chúng sẽ thấy an tâm hơn rất nhiều. Đây chính là việc yêu trẻ theo cách mà trẻ muốn”, bà Phan Hồ Điệp nói.
Cuối cùng vị chuyên gia này cũng gửi gắm các bậc phụ huynh, hãy hướng dẫn con nói lời xin lỗi và cảm ơn. Một đứa trẻ được nuôi nấng trong môi trường mà bố mẹ luôn nói xin lỗi và cảm ơn một cách chân thành sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng được cảm xúc tin tưởng vào bản thân, tin tưởng người khác. “Đừng tiết kiệm những lời này và cũng đừng quên hướng dẫn trẻ thực hành bạn nhé”, bà Phan Hồ Điệp nhắn nhủ.