Chiều 25/6, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, Tổ chức trồng - khai thác rừng Đan Mạch (DFE) tổ chức hội thảo giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản Hà Tĩnh với sự góp mặt của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
Hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Hà Tĩnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, tốc độ sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh ngày càng phát triển, sản phẩm đa dạng và phong phú, do vậy, nhu cầu giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm càng cao. Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây, nông dân vẫn đang loay hoay với bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa, một số sản phẩm chưa được thị trường biết đến.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Bùi Nhân Sâm: Hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại hội thảo, lãnh đạo các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh - đại diện cho người nông dân bày tỏ mong muốn được tiếp cận với các chính sách của Nhà nước về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và các chính sách tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, người dân mong muốn được định hướng sản xuất những sản phẩm có nhu cầu cao trên thị trường, định hướng xây dựng, phát triển thương hiệu; đề nghị Nhà nước đánh giá mức hiệu quả của các chuỗi liên kết sản xuất để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất, tiến tới tổ chức nhân rộng; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại, tiêu thụ nông sản…
Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh: Người nông dân cần sản xuất theo hướng chuyên môn hóa và tăng tính ổn định trong thu hoạch nông sản, không thu hoạch ồ ạt để có thể tiêu thụ tốt hơn.
Các ý kiến của nhóm doanh nghiệp tại hội thảo cũng cho rằng, người nông dân cần phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch với số lượng lớn; các cấp, ngành hỗ trợ, định hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không sản xuất theo hướng những sản phẩm đang có và những phẩm dễ làm. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức tiếp cận thị trường, kỹ năng thương thảo hợp đồng, marketing, quảng bá sản phẩm; nhân rộng các cửa hàng nông sản an toàn cấp huyện.
Ông Nguyễn Hữu Dực - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT): Người dân cần sản xuất theo nguyên tắc hướng đến thị trường toàn cầu, tự lực, tự tin, sáng tạo.
Đồng thời, các cơ quan đại diện cho Nhà nước cũng mong muốn người dân Hà Tĩnh ứng dụng thương mại điện tử, internet, mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm; phải có chiến lược sản xuất và tạo ra sự khác biệt; sản xuất có nghiên cứu thị trường, sản xuất sản phẩm thị trường thiếu, cần; sản xuất theo nguyên tắc hướng đến thị trường toàn cầu, tự lực, tự tin, sáng tạo.
Hiện tại, các sở, ngành đang tích cực tuyên truyền thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hàng hóa sản xuất trong tỉnh; thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, hội chợ giới thiệu sản phẩm; kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá gây rối loạn thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - đại diện Sở Công thương Hà Tĩnh: Người nông dân Hà Tĩnh cần ứng dụng thương mại điện tử, internet, mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm.
Dịp này, đại diện Sở Công thương, Văn phòng NTM tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã giới thiệu về chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Đây là chương trình nhằm biến tài nguyên bản địa (đặc sản, sản phẩm truyền thống) với sự đồng hành của Nhà nước tạo thành sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp muốn vươn xa phải có tổ chức pháp nhân, phải liên kết để xây dựng các HTX, doanh nghiệp.