Anh Nguyễn Xuân Hòa (ở giữa) chỉ cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trên cây cam sau mưa cho bà con nông dân
Anh Nguyễn Xuân Hòa, cán bộ phụ trách kỹ thuật Hợp tác xã (HTX) Trà Sơn cho biết: “Hiện nay, quy trình chăm sóc cam ở Thượng Lộc đang bước vào giai đoạn thứ tư, có tính chất quyết định năng suất và chất lượng quả. Trận mưa vừa rồi rất quý với người trồng cam nói chung và ở Thượng Lộc nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mưa trái mùa sẽ gây ra nhiều hệ quả phát sinh các loại sâu, bệnh không mong muốn trên cây trồng đòi hỏi bà con cần lưu ý”.
Anh Hòa có thâm niên trồng cam, là người đã xây dựng cam Thượng Lộc và một số xã vùng Trà Sơn (Can Lộc) đạt tiêu chuẩn cam VietGap. Theo anh, đây là giai đoạn thứ tư trong quy trình 5 giai đoạn chăm sóc thu hoạch cam, gồm: tỉa cành tạo chồi; thụ phấn tạo quả; chăm sóc quả non; thúc quả tạo vị ngọt và mẫu mã; chăm sóc trước khi thu hái.
Thời điểm này quyết định năng suất và chất lượng của cam Thượng Lộc.
Sau trận mưa vừa qua, đất đã đủ độ ẩm cần thiết để bà con bón phân. Hàm lượng phân trong đợt này được chỉ định phù hợp với cam Thượng Lộc là 0,5 kg NPK và 0,1- 0,2 kg phân gà (loại phân hữu cơ được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản) cho mỗi gốc, loại từ 3-5 năm tuổi. Đối với gốc có tuổi đời trên 5 năm trở lên, mỗi năm tuổi tăng lượng phân cả 2 loại lên 30%.
Việc bón phân được bà con tiến hành vào lúc chiều tối, các loại phân khi bón rải đều xung quanh gốc. Trong khi thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng, bà con được hướng dẫn tiếp tục tưới để phân nhanh thấm vào đất cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây.
Nông dân Thượng Lộc bón phân thúc quả cho cam sau trận mưa vào ngày 6-7/7 vừa qua.
Cùng với bón phân, người trồng cam Thượng Lộc theo dõi các loại sâu và nấm bệnh có cơ hội phát sinh và chủ động dùng các chế phẩm sinh học phòng trừ, phun ngay sau khi kết thúc đợt mưa.
Trong diệt sâu đục thân, sau khi phát hiện, bà con được hướng dẫn dùng xi - lanh bơm xăng trực tiếp vào lỗ sâu khoét và bịt lại để tiêu diệt sâu.
Phân gà sản xuất theo công nghệ Nhật Bản là loại phân hữu cơ được các hộ trồng cam tiêu chuẩn VietGap sử dụng.
Được biết, ngoài trồng và chăm sóc 2,5 ha cam vườn gia đình, anh Nguyễn Xuân Hòa còn thường xuyên tư vấn kỹ thuật cho 69 hộ trồng cam trên địa bàn và kết nối với các hộ dân sản xuất 15 ha cam VietGap.
Anh Nguyễn Viết Hạnh (trái) tham khảo cán bộ kỹ thuật về chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh.
Áp dụng kinh nghiệm được HTX Trà Sơn phổ biến, dịp này, anh Nguyễn Viết Hạnh chủ vườn cam, bưởi ở thôn Sơn Bình (Thượng Lộc, Can Lộc) đã chuẩn bị 1,5 tấn phân NPK và 5 tạ phân gà sản xuất theo công nghệ Nhật Bản để tiến hành bón cho 5 ha cam (2.000 gốc) và 2 ha bưởi (600 gốc). Đồng thời, anh cũng đã tiến hành phun chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho trang trại cam, bưởi của mình.
Anh Hạnh cho biết: “Đây là cách chăm sóc theo quy trình VietGap mà chúng tôi được hướng dẫn áp dụng 2 năm nay. Tôi thấy cây ít sâu bệnh cho năng suất và chất lượng cao hơn"
Vườn bưởi rộng 1,2 ha của ông Trần Thư Phúc ở thôn Thanh Mỹ (Thượng Lộc).
Được biết, hiện nay toàn xã Thượng Lộc có 370 hộ trồng cam, bưởi, trong đó diện tích trồng cam là 284 ha, bưởi 70 ha.
Ông Đặng Tịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộc cho biết: “Sau trận mưa vừa qua, chúng tôi đã tuyên truyền đến bà con đẩy mạnh công việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Quan điểm chung của xã là hướng đến phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, khuyến khích bà con sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học cho cây trồng”.