Vườn cam trĩu quả chờ ngày thu hoạch của gia đình chị Từ Thị Lệ ở xã Hương Minh.
Nhìn vườn cam quả trĩu cành, căng mọng, hứa hẹn một vụ mùa mới thắng lợi mà lòng chủ vườn thấy phấn khởi vì thành quả lao động miệt mài trong thời gian dài đã được đáp đền xứng đáng.
Chị Từ Thị Lệ kể: “Vườn đồi của gia đình tôi có độ dốc lớn, cằn cỗi nên trước đây chỉ trồng keo tràm, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, được chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp đến vận động, hỗ trợ nhiều mặt thì tôi mới quyết định lựa chọn cây cam làm hướng đi mới. 200 gốc cam trồng thử nghiệm đã nhanh chóng bén rễ trên đồi đất cằn và nhờ chăm sóc tốt nên 3 năm sau cho quả ngọt, được bao tiêu với giá cao. Từ thành công đó, tôi tiếp tục trồng thêm 200 gốc nữa theo quy trình cam sạch VietGAP và đến nay đã cho quả”.
Trong chuồng luôn duy trì 6-9 con trâu, bò đã giúp gia đình chị Lệ có thêm thu nhập, đảm bảo nguồn phân bón cho vườn cam và có sức cày kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để tăng nguồn thu, vợ chồng chị Lệ còn nuôi 2 lứa lợn thịt/năm với khoảng 20 - 25 con/lứa và 2 lứa gà lấy thịt/năm với khoảng 250 - 300 con/lứa; trồng 3 ha keo nguyên liệu (4-5 năm/chu kỳ khai thác).
Ngoài ra, để có nguồn phân bón hữu cơ, giảm phân bón hóa học cho vừa cam và có sức cày kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chị Lệ hiện còn chăn nuôi thêm 7 con trâu, bò… Nhờ siêng năng lao động, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đa dạng hóa các loại cây, con nên mỗi năm, gia đình chị Lệ thu về từ 250 - 300 triệu đồng.
Cùng với chăm lo phát triển sản xuất, đầu năm 2019, gia đình chị Lệ đã đăng ký tham gia xây dựng vườn mẫu và cuối năm đó đã được công nhận đạt chuẩn. Khu vườn đồi của gia đình chị đã được quy hoạch, sắp xếp bài bản, hợp lý, sạch đẹp và hiệu quả hơn. Qua đó, vừa đảm bảo không gian sống, phù hợp với điều kiện sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập, vừa trở thành nơi tham quan, trao đổi kinh nghiệm làm ăn của bà con lân cận.
Theo chị Lệ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ổn định sinh kế là hành trình vượt khó, vượt khổ, vươn lên chiến thắng đói nghèo và lạc hậu của gia đình mình. Từ 2 bàn tay trắng, phải loay hoay với nguồn tư liệu sản xuất, thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thực hiện tốt phương châm “lấy ngắn nuôi dài” nên thu nhập, cuộc sống của gia đình chị dần ổn định và giờ đây đã sung túc, dư giả.
Đồi keo 3 ha của gia đình chị Lệ cũng luôn được chăm sóc, bảo vệ tốt để mỗi chu kỳ khai thác cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng.
Với những gì mình đã từng được giúp đỡ và thành công ban đầu trong làm ăn, chị Từ Thị Lệ đã thường xuyên chia sẻ, động viên, hỗ trợ mọi người xung quanh. Trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hợp Đức, chị Lệ luôn đặt phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi và tham gia xây dựng NTM của hội viên lên hàng đầu. Nhờ vậy, mọi gia đình trong thôn đều chăm lo làm ăn, tích cực xóa bỏ vườn tạp, thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng các tiến bộ KHKT và có ý thức cao trong xây dựng cảnh quan xóm làng, làm các công trình phúc lợi chung...
Với sự hăng hái và tinh thần trách nhiệm cao của chị Lệ cùng các hội viên hội nông dân đã góp phần rất quan trọng để đưa thôn Hợp Đức thành khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2020.
Đến thời điểm này, toàn thôn đã xây dựng được 20 vườn mẫu, tất cả vườn hộ đều được chỉnh trang, bình quân mỗi gia đình trồng từ 200 gốc cam trở lên và chăn nuôi từ 3-5 con trâu, bò; thu nhập bình quân đầu người khoảng 47 triệu đồng/năm.
Chị Lệ (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với chị em trong thôn.
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Minh đánh giá: “Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, là hạt nhân trong các phong trào thi đua và nhiệt tình với công tác hội, mà chị Lệ cùng gia đình luôn sống chan hòa, tình nghĩa với bà con lối xóm, luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ mọi người để cùng làm ăn tốt hơn. Đây là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng NTM của xã Hương Minh nói chung và thôn Hợp Đức nói riêng”.