“Hôm nay anh rể tao lấy vợ, nhìn hai đứa cháu mà thương quặn lòng. Không biết mẹ kế có đối xử tốt với chúng nó không”. Bạn vừa nói, nước mắt vừa lăn trên má, một nỗi xót xa ngậm ngùi mà bao lời cũng khó diễn tả.
Hai năm trước, chị gái bạn qua đời sau một thời gian ngắn phát hiện trọng bệnh. Chị ấy xinh lắm, hiền lành và rất đảm đang. Nhưng hình như đời nhiều khi lắm nỗi trái ngang, người tốt lại thường hay đoản mệnh.
Thực ra, nếu chị đi kiểm tra sức khỏe ngay từ khi có dấu hiệu bất ổn thì có khi bệnh đã kiểm soát ngay từ đầu. Chỉ vì gia cảnh hơi khó khăn lại thêm có chút chủ quan “từ nhỏ tới giờ chưa phải đi viện bao giờ, chắc làm lụng nhiều nên mệt chút thôi”. Chị không muốn chồng phải nặng gánh lo toan, không muốn bỏ bê con thơ, cứ chịu đựng một mình, cuối cùng mới nên nông nỗi.
Bạn kể, ngày đưa tang chị, chồng chị khóc rất nhiều. Anh thương chị, nói làm sao sống nổi nếu thiếu chị trên đời. Bên nấm mồ vừa phủ cỏ xanh anh từng nấc lên “cả đời anh anh sẽ ở vậy, thay cả phần em chăm sóc con”. Chưa đến hai năm ngày vợ mất, anh đã rục rịch cưới thêm lần nữa. Bạn thở dài chua chát, nói cái giống đàn ông sao mau quên, chỉ thương chị mình, thương cháu nhỏ.
Thật ra thì, trách đàn ông bây giờ cũng chẳng có nghĩa gì cả. Người mất đã mất rồi, người sống vẫn phải sống, vẫn phải yêu thương và lo toan cho cuộc đời mình, cho các con. Chỉ là nghĩ, nếu ngày ấy chị ấy biết quan tâm mình hơn một chút, thương bản thân mình hơn một chút, hẳn là các con chị đã không phải chứng kiến một ngày vui của bố mà lòng có thể không vui chút nào.
Tôi có một người chị, cuộc sống bao trọn hai chữ gia đình. Chị chăm lo cho chồng con từng chút từng chút một. Con vừa sổ mũi chị đã vội vàng bế đi bác sĩ. Chồng vừa ho vài tiếng đã vội vàng pha mật ong chanh đào cho chồng ngậm. Nhưng chị ốm thì chị mặc kệ “ốm vài ngày rồi sẽ khỏi thôi, lần nào cũng thế, chẳng cần uống thuốc gì sất”.
Có lần chị gọi cho tôi, thều thào: “Có đi qua nhà chị, ghé chị nhờ một chút”. Tôi đến nhà, thấy chị nằm bẹp trên giường. Chị nhờ tôi cắm cho chút cháo, tạt qua cửa hàng thuốc mua hộ chị liều thuốc cảm. Rồi chị xót xa: "Mấy hôm trước mệt nhưng còn quay quả được, tự nhiên sáng nay mở mắt ra cả người đau nhức dậy không nổi, khổ thân chồng con nhịn đói đi học, đi làm, không biết dọc đường có kịp mua gì mà ăn không?”.
Trời ạ, tôi chỉ muốn kêu lên: “Chị nằm bẹp dí ra đây chẳng ai chăm sóc lại còn có sức đi lo cho người khỏe”. Tôi nói có vậy mà chị khóc, hình như lúc ấy mới nhận ra, mới thấy tủi thân.
Vậy đó, với nhiều chị em phụ nữ, được lo cho gia đình là hạnh phúc, thấy chồng khỏe con ngoan thì bản thân mình chịu sao cũng được. Chỉ là khi mình ốm đau nằm đó, ai là người khổ hơn, ai tủi buồn khổ sở nhiều hơn. Thương chồng thương con thì phải lo cho mình trước tiên, mình khỏe thì mới đủ sức chăm sóc yêu thương người khác được chứ.
Nghĩ đến đó, tự nhiên lại nhớ về chị của bạn. Chị nói thương chồng, thương con, bệnh tật đớn đau một mình chịu đựng. Giờ chị mất rồi, chồng của chị thì người ta xài, con chị thì người ta sai, có sung sướng hạnh phúc gì hơn đâu. Có chăng là chỉ mong cuộc sống mới của những người ở lại đừng quá nhiều buồn tủi.
Nghĩ cho cùng, thanh xuân của đàn bà ngắn lắm, thoắt còn trẻ đó, thoắt đã già rồi, thoắt còn xanh tươi, thoắt cái nếp nhăn đã hằn trên đuôi mắt. Vậy nên phụ nữ đừng nên chỉ biết sống vì người mà bỏ bê bản thân, đừng tự hào về hai chữ biết “hi sinh”, để rồi khi thời gian qua đi mới giật mình nhận ra mình chẳng còn gì ngoài những nếp nhăn và một thân xác rã rời mỏi mệt.
Và cả đàn ông nữa, nếu họ thật sự yêu thương, họ sẽ không để người phụ nữ của mình phải hao tâm tổn sức vì mình quá nhiều. Tôi không nhớ đã từng nghe ai đó nói rằng: Người đàn ông nào mà để vợ mình phải “hi sinh” quá nhiều thứ vì mình thì đó là một người đàn ông thất bại. Bởi một cuộc hôn nhân hạnh phúc là cuộc hôn nhân mà người vợ được yêu thương chứ không phải là “hi sinh” để trở thành anh hùng không có huy chương trên ngực áo.