Đến thời điểm hiện tại, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Nga (SN 1993) ở thôn Thanh Mỹ - xã Thượng Lộc đã bước sang trang mới. Khu vườn đồi hoang vắng chỉ toàn sim mua, cỏ dại cũng đã được cải tạo với những loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao. Tất cả là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Can Lộc ủy thác qua kênh của hội phụ nữ địa phương với mục tiêu giúp hội viên thoát khỏi đói nghèo.
Chị Nguyễn Thị Nga cho biết: “Cưới nhau từ năm 2012, vợ chồng tôi được bố mẹ để lại cho căn nhà cũ và mảnh vườn đồi để làm ăn. Dù đã cố gắng canh tác nhưng do chưa thể khai phá được tiềm năng vùng đất hoang nên cuộc sống nghèo đói vẫn luôn đeo bám. Qua bình xét của Hội LHPN xã, năm 2015, lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận nguồn chính sách với số tiền 50 triệu đồng. Đó là động lực giúp chúng tôi bước những bước đi đầu tiên trên hành trình thực hiện mục tiêu thoát nghèo”.
50 triệu đồng từ nguồn vay ưu đãi đã biến ước mơ xóa bỏ vườn tạp của gia đình chị Nga trở thành hiện thực. Có sức người, sức của, vùng đồi hoang vu đã được san lấp, những cây bụi được thay thế bởi vườn cam, bưởi rộng gần 1 ha hứa hẹn những mùa trái ngọt. Từ việc phát huy có hiệu quả nguồn vốn, năm 2020, gia đình chị Nga được vay thêm 70 triệu đồng. Với việc đầu tư nuôi bò nái, chuyển đổi vườn cây ăn quả thành vườn rau màu theo thời vụ và trồng chè đã giúp chị Nga thoát nghèo vào năm 2021.
Nhìn đồi cam xanh mướt trĩu quả, vườn dưa đang vào mùa và lứa cà trái vụ đã bắt đầu bén rễ, gia đình chị Bùi Thị Tuyên (SN 1990) ở thôn Thanh Mỹ (xã Thượng Lộc) tràn đầy niềm hy vọng vào một mùa thu nhập mới.
Chị Tuyên chia sẻ: “Lập gia đình cách đây 15 năm, cuộc sống của vợ chồng tôi cũng trải qua nhiều khó khăn thử thách. Thiếu vốn làm ăn nên nhiều năm liền dù cố gắng nhưng vẫn thuộc diện hộ cận nghèo. Quyết tâm thay đổi cuộc sống của chúng tôi chỉ thực sự bắt đầu và được tiếp sức bởi nguồn vay xóa đói giảm nghèo trong 3 đợt với tổng số vốn hơn 150 triệu đồng của Ngân hàng CSXH trong các năm 2011, 2016 và 2021. Đó cũng là động lực để biến những dự định trở thành hiện thực”.
Theo thời gian, nguồn vốn vay ưu đãi cùng với công sức, quyết tâm của vợ chồng trẻ đã làm nên bức tranh cuộc sống trù phú. Đó là sắc màu sinh sôi từ hàng trăm gốc cam giòn, vườn dưa chuột, các loại rau màu. Gia đình chị còn chăn nuôi thêm bò nái, đào hồ thả cá để vừa có thêm thu nhập vừa chủ động nguồn nước tưới cây trong những ngày hạn hán. Cùng với việc đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, vợ chồng chị còn chủ động tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, vì thế hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt. Với nguồn thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng, gia đình chị không chỉ thoát nghèo bền vững mà cuộc sống ngày càng khá giả.
Hoàn cảnh chị Nga, chị Tuyên là hai trong số rất nhiều phụ nữ ở Thượng Lộc được sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo. Theo số liệu thống kê của Hội LHPN xã Thượng Lộc, đến nay, toàn xã quản lý nguồn vốn hơn 9 tỷ đồng của ngân hàng chính sách xã hội, tiếp sức cho hàng trăm lượt hội viên khó khăn trong mục tiêu đổi thay cuộc sống.
“Trên cơ sở nguồn vốn vay, hội đã khảo sát, lựa chọn và phân bổ hợp lý nguồn vốn, phù hợp với nhu cầu, khả năng của từng đối tượng. Quá trình triển khai, ngoài nỗ lực của các gia đình, hội thường xuyên kiểm tra, giám sát và đốc thúc hội viên. Nhờ thế, đến thời điểm hiện tại, 100% nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả như mong đợi”, chị Trần Thị Thúy Kiều – Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Lộc cho hay.
Từ việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng CSXH đã góp phần cải thiện cuộc sống của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Thượng Lộc. Trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, toàn xã có thêm 15 hộ thoát nghèo bền vững.