Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng dự buổi làm việc.
Toàn tỉnh hiện có 459 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt. Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích; công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học thu được nhiều kết quả; công tác quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi năm, Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức 2 - 3 cuộc sưu tầm, thu về từ 200 - 250 hiện vật; hiện đang lưu giữ khoảng 10 nghìn hiện vật.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập báo cáo công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn
Đối với công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể, tính đến 31/12/2015, Sở VHTT&DL đã kiểm kê được 1.010 di tích, 180 lễ hội các loại. Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ca trù được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đỗ Khoa Văn: Cần có chiến lược, phương án để bảo tồn di sản văn hóa vốn có, chứ không phải trùng tu, tôn tạo là làm mới di sản.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, đánh giá thực trạng, đồng thời nêu ra một số giải pháp về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Đại biểu cho rằng, cần có phương án, lộ trình cụ thể, phù hợp cho từng di tích, di sản; bảo tồn, trùng tu đảm bảo gìn giữ những giá trị lịch sử chứ không phải thay đổi, làm mới; cân đối nguồn lực, kinh phí trong thực hiện trùng tu; tích cực xã hội hóa nguồn lực; bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm công tác bảo tồn, phát huy di sản.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Đoàn Đình Anh: Cần phân loại, xác định rõ di tích nào xã hội hóa 100%, di tích nào cần nguồn ngân sách nhà nước để có hướng đầu tư đúng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét, thông qua đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; ca trù Hà Tĩnh; Truyện Kiều và Mộc bản Trường học Phúc Giang” để UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện. HĐND tỉnh cần ưu tiên nguồn ngân sách ổn định để chống xuống cấp di tích; bố trí nguồn lực quan tâm xây dựng Bảo tàng tỉnh; trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Công Trứ và đền thờ Cổ Đạm (Nghi Xuân).
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y khẳng định, các giá trị văn hóa phải được bảo tồn, phát huy. Cần dành sự quan tâm thực sự đến công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn; khơi gợi, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; nhân lên những giá trị văn hóa trong xã hội hiện đại.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh soát xét lại những nội dung trong Quyết định số 27/QĐ-UBND tỉnh ngày 10/7/2013 “Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.