Khu vực Đồng Mậu xã Kỳ Trinh sau thời điểm cháy hơn 2 tuần
Thị xã Kỳ Anh hiện có trên 11.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, hơn 6.000 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Trong đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 6, có 15 điểm phát hỏa, trong đó 8 điểm cháy ở khu vực Nghĩa trang đồng cỏ và 7 điểm phát lửa vào rừng, gây thiệt hại không nhỏ tới diện tích rừng và tài sản của nhân dân. Đặc biệt, có những ngày liên tiếp 6 điểm phát lửa cùng lúc khiến các lực lượng tham gia phải thâu đêm vật lộn với “giặc lửa”.
Kể từ sau vụ cháy rừng trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Xuyên ở tổ dân phố (TDP) Hoàng Trinh, phường Kỳ Trinh càng thêm phần lo lắng: “Gia đình tôi có 4 ha rừng keo gần đến độ thu hoạch, với thời tiết nắng nóng kéo dài, nếu cháy thì xem như mất trắng, cho nên cách đây ít hôm tôi đã chủ động thuê người phát thực bì, tạo đường băng cản lửa, đồng thời thường xuyên túc trực kiểm tra...”.
Lực lượng dân quân phường Kỳ Trinh thường xuyên kiểm tra dụng cụ ứng cứu khi có cháy
Là một trong những đơn vị có diện tích rừng lớn trên địa bàn, gồm 389 ha rừng phòng hộ và 1.481 ha rừng sản xuất, đồng thời cũng chịu nhiều thiệt hại do những đợt cháy rừng vừa qua, phường Kỳ Trinh đang căng mình thực hiện các giải pháp phòng ngừa.
Ông Nguyễn Huy Đông - Chủ tịch UBND phường cho biết: "Sau các sự cố cháy rừng, chúng tôi đã thống nhất giao cho lực lượng mặt trận, dân quân của 6/6 TDP sẵn sàng ứng trực khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các văn bản, các cuộc họp ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, phường vẫn gặp khó khăn trong việc điều động lực lượng cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ các lực lượng tham gia chữa cháy.
Ông Trần Xuân Tuấn - Phó Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết, đội phân công 3 người luân phiên thay nhau canh gác, tuy nhiên, diện tích quản lý lớn (trên 4.000 ha) nên công tác PCCCR gặp nhiều khó khăn
Quá trình xử lý những vụ cháy rừng ở thị xã Kỳ Anh cho thấy, việc canh trực phòng cháy của lực lượng chức năng còn hạn chế nên khi xảy ra cháy rừng, chính quyền cơ sở tại một số xã, phường bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo. Cùng đó, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy của các lực lượng tại chỗ còn thiếu và chưa đáp ứng kịp yêu cầu; địa hình đồi núi, xa nguồn nước nên việc đưa lực lượng, phương tiện và lấy nước vào vị trí chữa cháy bị hạn chế. Do vậy, hiệu quả công tác chữa cháy rừng chưa được như mong muốn.
Theo dự báo, nắng nóng gay gắt và hanh khô có thể còn tiếp tục kéo dài hết tháng 7. Rất nhiều khu vực rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) nên nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao. Thị xã Kỳ Anh chỉ đạo các đơn vị có rừng chủ động ứng trực thường xuyên 24/24h, xây dựng đường băng cản lửa, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng.
Đồng thời, Hạt Kiểm lâm thị xã đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp với các chủ rừng để tuyên truyền, hướng dẫn về các nghiệp vụ ứng phó với cháy rừng có thể xảy ra.
Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ Vũng Áng sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy
Bên cạnh đó, theo ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, từ những vụ cháy vừa qua, thị xã đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra rõ nguyên nhân vụ việc để có bản án răn đe với các hành vi hủy hoại rừng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức; chỉ đạo các xã, phường có rừng và các đơn vị chủ rừng triển khai quyết liệt công tác vệ sinh rừng, xử lý thực bì, làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng; đóng cửa rừng vào những thời điểm nắng nóng cao độ kéo dài.
Thị xã cũng sẽ đầu tư, cấp kinh phí hỗ trợ trực PCCCR cho các xã, phường có rừng, Hạt Kiểm lâm và mua sắm, bổ sung một số dụng cụ chữa cháy rừng chuyên dụng, đồng thời, kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, dụng cụ được trang bị nhằm thực hiện hiệu quả công tác chữa cháy rừng.