Điện thoại thông minh chỉ bắt đầu phổ biến từ khoảng 7-8 năm trở lại đây, tuy nhiên, những tác động của nó tới đời sống, công việc và thói quen sinh hoạt là không cần bàn cãi.
Đầu năm 2018, eMarketer tuyên bố rằng một phần ba dân số trên thế giới đang sử dụng smartphone. Kết thúc quý 1/2018, doanh số bán smartphone toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với gần 384 triệu chiếc smartphone đã được bán trong quý 1/2018.
Theo dự báo của các chuyên gia, số lượng người sử dụng smartphone trên toàn thế giới ước tính đạt 2,39 tỷ, với sự gia tăng lớn nhất từ các thị trường như Ấn Độ và Đông Nam Á.
Tuy nhiên tại Mỹ, người ta đã bắt đầu biết "sợ" dùng smartphone, và đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thay đổi trong thói quen người dùng, và rất có thể sẽ tạo ra sự chuyển dịch trong làng công nghệ nói chung.
Một báo cáo từ Pew Research cho biết giới trẻ Mỹ đang cảm thấy lo lắng khi smartphone chiếm quá nhiều thời gian sử dụng mỗi ngày, dù rằng việc sống tách rời chúng cũng không thoải mái chút nào.
Cụ thể, báo cáo ghi nhận 54% thanh niên ở độ tuổi 13-17 bắt đầu nhận thấy tác hại của việc dùng quá nhiều smartphone. 52% trong số đó bắt đầu thực hiện các bước để cắt giảm thời gian sử dụng, và 57% cố gắng giảm bớt thời gian "giao lưu" trên các trang mạng xã hội.
Việc có quá nhiều smartphone ở các phân khúc giá khác nhau, kèm theo ưu đãi và phân phối rộng rãi càng làm tăng thêm tỷ lệ người "nghiện" smartphone.
Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng chút nào, khi có tới 56% thanh thiếu niên cho biết họ luôn trong cảm giác lo lắng, cô đơn hoặc khó chịu khi phải sống tách rời thiết bị yêu quý.
Không chỉ các "nam thanh, nữ tú", mà ngay cả người đã trưởng thành và có tuổi tại Mỹ cũng bị cuốn vào trào lưu smartphone, để rồi đang cố gắng để thoát khỏi nó. Theo Pew Research, khoảng 40% người Mỹ tin rằng các công nghệ mới rồi sẽ đi kèm với nhiều vấn đề mới trong khoảng 50 năm tới.
Trên thực tế, việc sử dụng smartphone quá nhiều mỗi ngày không hoàn toàn là lỗi của người dùng. Tristan Harris, một chuyên gia trong làng phần mềm từng có lần hé lộ rằng các nhà phát triển trên iOS hay Android, đều luôn cố gắng thiết kế các phần mềm của họ "càng lôi cuốn càng tốt", nhằm buộc người dùng phải "dán mắt" vào màn hình. Đây thậm chí được coi là "chuẩn mực" của thành công trong việc tạo ra một ứng dụng hoặc trò chơi.
Nhiều chuyên gia công nghệ ví von việc "nghiện" smartphone chẳng khác chút nào so với cocaine, và gọi nó là "chất bột kỹ thuật số". "Nó thu hút giống như họ đang sử dụng cocaine, chỉ có điều đây là giao diện màn hình trên chiếc điện thoại".