Trả lương hưu qua hệ thống ATM giúp người dân chủ động hơn khi nhận lương nhưng cũng khá bất tiện đối với những người cao tuổi, không quen các thao tác trên máy rút tiền tự động (Trong ảnh: Nhân viên Ngân hàng Agribank Hà Tĩnh hướng dẫn người dân các thao tác rút tiền lương hưu qua thẻ ATM).
Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định: tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng. Theo đó, năm 2020, BHXH tỉnh đã vượt chỉ tiêu được giao.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính BHXH tỉnh Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết: “Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với bưu điện, các ngân hàng thương mại tăng cường tuyên truyền, vận động người hưởng nhận chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với các ngân hàng thương mại để miễn, giảm phí khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp. Mở rộng các điểm rút tiền tự động, nhất là khu vực đông dân cư, nâng cao chất lượng phục vụ và các tiện ích của thẻ ATM”.
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn phối hợp với Viettel Hà Tĩnh triển khai mở tài khoản và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống dịch vụ Viettel Pay, thực hiện giao kế hoạch về số người cụ thể cần phát triển nhận qua tài khoản ATM hàng năm đối với đơn vị Viettel.
Lâu nay, người hưu trí Hà Tĩnh, nhất là ở vùng nông thôn vẫn quen nhận lương hưu trực tiếp qua các điểm chi trả tập trung. Ảnh tư liệu
Đến tháng 10/2020, BHXH tỉnh đã chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua ATM cho 9.907 người/71.317 người đạt tỷ lệ 13,9%, với số tiền chi trả 482 tỷ đồng/2.698 tỷ đồng đạt tỷ lệ 17,9%. Trong đó, tại khu vực đô thị số người chi trả qua ATM là 6.591 người/29.005 người đạt tỷ lệ 22,7%. Dự tính năm 2020, chi trả qua ATM cho 10.749 người/71.676 người đạt tỷ lệ 15%; trong đó, tại khu vực đô thị số người chi trả qua ATM là 6.735 người/29.460 người đạt tỷ lệ 22,9%.
Sở dĩ tỷ lệ đạt được còn thấp là do số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng phần lớn đều tuổi cao, không thuận lợi trong việc thực hiện các thao tác để rút tiền qua thẻ ATM. Bên cạnh đó, phần lớn người hưởng đang sinh sống tại các vùng ngoài đô thị, hạ tầng cung cấp dịch vụ rút tiền tự động còn hạn chế. Do đó, ngay cả ở thành phố Hà Tĩnh, nhiều người vẫn thờ ơ với việc nhận tiền qua thẻ ATM.
Bà Nguyễn Thị Thư ở phường Nam Hà chia sẻ: “Từng làm thẻ ATM để đăng ký nhận lương hưu bằng hình thức này nhưng lâu nay tôi vẫn quen nhận tại khối phố nên chưa sử dụng. Phải thừa nhận là việc nhận lương qua ATM có nhiều tiện ích nhưng so với việc phải ra cột thẻ ATM và thực hiện các thao tác trên máy thì tôi vẫn thích nhận ở điểm chi trả trực tiếp hơn”.
Dù đã làm thẻ ATM nhưng bà Thư vẫn lựa chọn nhận lương bằng sổ hưu trí tại điểm chi trả của khối phố.
Trái với suy nghĩ của bà Thư, ông Trần Văn Sinh ở phường Tân Giang lại hưởng ứng việc trả lương hưu qua ATM. Ông cho rằng hình thức này giúp ông chủ động hơn trong việc nhận lương và tránh được tình trạng phải chờ đợi để ký nhận tiền tại các điểm chi trả.
Trong khi tỷ lệ chi trả lương hưu và trợ cấp qua ATM đạt tỷ lệ thấp thì tỷ lệ chi trả trợ cấp BHXH 1 lần lại đạt tỷ lệ khá cao. Đến tháng 10/2020, số người chi trả qua ATM là 4.442 người/9.322 người đạt tỷ lệ 47,7%. Năm 2020, ước lượng có khoảng 4.995 /9.408 người được chi trả qua ATM, đạt tỷ lệ 53,1%.
Con số này còn cao hơn nhiều ở danh mục chi trợ cấp thất nghiệp. Tính đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh có 5.368/5.886 người nhận qua ATM, đạt tỷ lệ 91,2%. Dự đoán, đến hết năm 2020, số người chi trả qua ATM sẽ là 6.951 /7.573 người, đạt tỷ lệ 91,8%.
Bên cạnh đó, chi trợ cấp ốm đau thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ cũng đạt tỷ lệ khá. Năm 2020 dự tính sẽ đạt 85% trên tổng số tiền phải chi trả.
Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ giao cơ quan BHXH đến năm 2021 phấn đấu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất… ở khu vực đô thị sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một nhiệm vụ khá nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của BHXH tỉnh trong công tác tuyên tuyền, vận động người dân.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - BHXH tỉnh Nguyễn Quỳnh Xuân chia sẻ thêm: “BHXH tỉnh đã đề xuất các cơ quan liên quan như bưu điện, ngân hàng khắc phục những hạn chế về tuyên truyền, chính sách ưu đãi, cơ sở hạ tầng nhằm khiến người dân hoàn toàn yên tâm nhận chế độ qua thẻ ATM”.