Chiều 21/4, Sở TN&MT tổ chức cuộc làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) để thống nhất một số nội dung về nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và bãi đổ thải phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. |
Sở TN&MT làm việc với chủ đầu tư về các vấn đề liên quan tới mỏ vật liệu xây dựng (VLXD), bãi đổ chất thải phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua tỉnh Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần là Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng với tổng chiều dài 102,5 km đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã là: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.
Tổng mức đầu tư dự án là 20.230 tỷ đồng, do BQL dự án Thăng Long và Ban QLDA 6 (cùng Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Cọc mốc GPMB thực địa đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi được cắm tại xã Nam Điền, huyện Thạch Hà.
Để đảm bảo dự án được khởi công đúng thời gian đề ra, Hà Tĩnh đã và đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế và 2 Ban QLDA của Bộ GTVT triển khai các phần việc liên quan, trong đó có vấn đề vật liệu và các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (không phải là chất thải nguy hại).
Theo đó, nhu cầu đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi là 3,9 triệu m3 đất đắp, 450 nghìn m3 cát các loại, 692 nghìn m3 đá, 1,5 triệu m3 chất thải rắn xây dựng; đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng là 7,5 triệu m3 đất đắp, 456 nghìn m3 cát các loại, 1 triệu m3 đá và 4,1 triệu m3 chất thải rắn xây dựng; đoạn Vũng Áng – Bùng là 3,9 triệu m3 đất đắp, 184 nghìn m3 cát các loại, 496 nghìn m3 đá, 2,5 triệu m3 chất thải rắn xây dựng.
Ông Hoàng Chiến Thắng - Ban QLDA Thăng Long thông tin về nhu cầu, quá trình khảo sát, trữ lượng các mỏ VLXD và bãi đổ chất thải rắn xây dựng 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng.
Căn cứ vào danh sách mỏ vật liệu và bãi đổ thải phục vụ cho dự án mà Sở TN&MT cung cấp, Ban QLDA Thăng Long – chủ đầu tư 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng đã khảo sát được 25 mỏ đất, 17 mỏ cát, 15 mỏ đá, 52 bãi đổ thải; Ban QLDA 6 – chủ đầu tư đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng khảo sát 7 mỏ đất, 8 mỏ đá, 2 mỏ cát, 5 bãi đổ thải.
Trưởng phòng Môi trường Sở TN&MT Hà Tĩnh Trần Hữu Tình: Khối lượng chất thải rắn xây dựng từ 3 dự án thành phần cao tốc đoạn qua Hà Tĩnh rất lớn. Do đây cũng là nguồn tài nguyên nên đề nghị chủ đầu tư xem xét việc tận dụng phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.
Theo đánh giá, nhìn chung trữ lượng và chất lượng các mỏ VLXD, bãi đổ chất thải rắn xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu dự án.
Chủ đầu tư mong muốn các đơn vị có thẩm quyền của Hà Tĩnh hướng dẫn trình tự các thủ tục và tạo điều kiện để đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác VLXD cũng như bãi đổ thải phục vụ dự án.
Trưởng phòng Khoáng sản Sở TNMT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thành: Căn cứ vào nhu cầu VLXD dự án, đơn vị đã kịp thời cung cấp danh sách, công suất, trữ lượng các mỏ khoáng sản để chủ đầu tư tiến hành khảo sát, đánh giá.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến làm rõ các nội dung xung quanh các mỏ VLXD và bãi chứa chất thải rắn xây dựng phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh như: hồ sơ pháp lý; thủ tục cấp phép; đánh giá tác động việc khai thác mỏ khoáng sản ảnh hưởng tới môi trường, đời sống người dân; hiện trạng đất đai của các mỏ VLXD, bãi chứa chất thải...
Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Hữu Khanh kết luận buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Trần Hữu Khanh đánh giá: việc chuẩn bị nguồn VLXD và bãi đổ thải (không phải là chất thải nguy hại) là nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương, đảm bảo cho việc thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh được triển khai đúng tiến độ mà Chính phủ đã đặt ra.
Do vậy, đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý đề xuất các bãi đổ thải với đầy đủ chi tiết vị trí, tọa độ, quy mô, hiện trạng đất đai và gửi về Sở TN&MT trước 25/4. Đối với các mỏ VLXD, cần sớm có văn bản chính thức về các điểm mỏ dự kiến lựa chọn phục vụ dự án.
Trong quá trình triển khai các nội dung về mỏ VLXD, bãi đổ chất thải rắn xây dựng, chủ đầu tư cần tiếp tục trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có thẩm quyền của tỉnh, của Sở TN&MT nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc để không ảnh hưởng tới triển khai dự án.