Hiện nay, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành xuống giống vụ 2 (từ tháng 8 đến tháng 12).
Vụ nuôi thu đông năm nay, HTX Xuân Thành (Xuân Phổ - Nghi Xuân) thả nuôi 5 triệu con giống trên diện tích 4,5ha. Hiện tại đã được gần 1 tháng, đây là giai đoạn tôm còn yếu, sức đề kháng kém, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động từ môi trường xung quanh.
Giám đốc kỹ thuật HTX Xuân Thành - Hồ Quang Dũng cho biết: “Sau đợt mưa do ảnh hưởng của bão số 5 thì thời tiết lại chuyển nắng oi vào ban ngày, nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm, đây là điều kiện phát sinh các dịch bệnh ở tôm. Để phòng ngừa, tôi phải thường xuyên kiểm tra ao và sức khoẻ của tôm, điều tiết mức nước phù hợp, đảm bảo lượng ô xy hòa tan đầy đủ.”
HTX Xuân Thành đảm bảo các điều kiện để phòng ngừa bệnh cho tôm trong mùa mưa.
Theo anh Dũng, các dấu hiệu tôm mắc bệnh vào mùa mưa có thể nhận biết được sớm như: tôm vùi mình, bơi lờ đờ, tiêu hóa thức ăn và bắt mồi kém...
Cũng chung tâm lý lo lắng như anh Dũng, nhiều hộ dân tại huyện Thạch Hà đang tập trung các biện pháp để tăng sức đề kháng, đảm bảo sự phát triển cho tôm.
Người nuôi thường xuyên kiểm tra môi trường, sức khoẻ của tôm sau mưa lớn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Xuân Bản (xã Thạch Sơn, Thạch Hà) chia sẻ: “Nuôi vụ 2 rất khó, thường đối mặt với nhiều rủi ro, tôm dễ “dính” bệnh như: đốm trắng, gan tụy cấp tính... bởi thời tiết thay đổi thất thường, nếu không có kinh nghiệm và cơ sở vật chất tốt thì khó thành công. Giữa tháng 8, tôi bắt đầu thả trên diện tích 1 ha, đến nay sau 40 ngày chăm sóc, tôm đang phát triển khá ổn định. Đây là giai đoạn quan trọng lại đang giao mùa nên càng phải chú ý hơn”.
Khi xuất hiện những cơn mưa lớn, người nuôi cần tăng cường chạy quạt nước để tránh sự phân tầng nhiệt độ, cung cấp thêm oxy và tăng nhiệt độ nước.
“Trong mùa mưa bão, ao nuôi phát sinh nhiều tảo độc nên cần diệt tảo, tăng cường bơm nước, vệ sinh ao nuôi thường xuyên. Đồng thời, bám sát để khi lượng nước trong ao lớn cần kịp thời tháo nước ở tầng mặt hoặc hút nước đáy ra bớt bên ngoài; tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các chất cần thiết như Vitamin C, khoáng chất,… để tôm phát triển tốt”, ông Bản cho biết thêm.
Cùng với đó, các hộ nuôi đều phải chuẩn bị đầy đủ máy nổ, máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi mất điện, đảm bảo cho quạt nước được quay thông suốt nhằm cung cấp đầy đủ ô xy cho tôm khi xảy ra mưa lớn.
Các hộ nuôi chủ động máy nổ, máy phát điện... đề phòng trường hợp mất điện do bão, mưa lớn.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Ðể quản lý tốt ao nuôi trong mùa mưa, ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp để ổn định môi trường và nâng cao sức đề kháng cho tôm, dự trữ các vật tư cần thiết như: vôi, khoáng tạt, chế phẩm sinh học, oxy viên… để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Trước khi mưa, nên chủ động bón vôi khắp bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, khi thấy trời có dấu hiệu chuyển mưa lớn, cần giảm 30 - 50% lượng thức ăn hoặc ngưng cho tôm ăn và sau khi hết mưa cần sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi, ổn định nguồn nước ao nuôi".
Cần bổ sung dưỡng chất như Vitamin C, khoáng chất, enzyme... để tăng sức đề kháng cho tôm.
“Đặc biệt, chế độ ăn của tôm cần tăng cường dưỡng chất để đảm bảo sức khoẻ; khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh phải báo cho chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường... ảnh hưởng đến các vùng nuôi tôm khác”, chị Hoàn chia sẻ thêm.