Cơ sở sản xuất bánh đa nem của chị Lê Thị Dung ở thôn Bình, xã Thạch Hưng sản xuất từ mùng 4 tết đến nay
Bắt đầu từ sáng mùng 4 tết, cơ sở sản xuất bánh đa nem của chị Lê Thị Dung (thôn Bình, xã Thạch Hưng) đã khởi động vụ sản xuất mới. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 3,5 tạ gạo. Ngoài lao động trong gia đình, 5 công nhân cũng bước vào ngày làm việc bận rộn từ 5h - 18h mỗi ngày.
Chị Lê Thị Dung chia sẻ: “Trước và sau tết đều là thời gian cao điểm sản xuất bánh đa nem. Năm nay, từ mùng 2 tết, nhiều đại lý đã gọi điện đặt hàng nên chúng tôi sản xuất sớm. Đầu năm, có đơn hàng, công việc bận rộn là niềm hạnh phúc đối với chúng tôi. Mùa sản xuất bánh đa bận rộn đến hết tháng 2 (âm lịch)”.
Không riêng gia đình chị Dung, thời điểm này, nhiều gia đình ở “thủ phủ” sản xuất bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đã khởi động vụ sản xuất năm 2024.
Công nhân tại cơ sở sản xuất bánh đa nem của bà Đặng Thị Minh (thôn Bình, xã Thạch Hưng) tất bật gỡ bánh
Bà Đặng Thị Minh (thôn Bình, xã Thạch Hưng) chia sẻ: “Tôi bắt đầu nhen lò tráng bánh từ sáng mùng 8 tết. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất 1,6 tạ gạo, cho ra lò trên 2 vạn bánh. Trước tết, giá bánh khoảng 20.000 đồng/tệp, sau tết từ 16.000 – 18.000 đồng/tệp. Với mức giá này, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thu về 3 - 4 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, lãi từ 800 - 1 triệu đồng/ngày”.
Sản xuất bánh đa nem là nghề truyền thống của người dân thôn Bình. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh được tỉnh công nhận và ban hành phương án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống bánh đa nem. Từ thôn Bình, hiện nay, các thôn khác trên địa bàn xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đều có hộ dân tham gia sản xuất bánh đa nem.
Bánh đa nem Thạch Hưng có nhãn mác và được đóng gói theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo thống kê, toàn xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) hiện có hơn 120 hộ sản xuất bánh đa nem; trong đó địa bàn thôn Bình chiếm hơn 90 hộ. Trước đây, các hộ sản xuất thủ công nhưng gần chục năm trở lại đây, bà con đã chuyển sang tráng bánh bằng máy, nhờ đó năng suất tăng lên, bánh cũng đều hơn. Nghề làm bánh đa nem ở xã Thạch Hưng đang giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Doanh thu từ sản xuất bánh đa nem toàn xã đạt hơn 31 tỷ đồng/năm.
Bà Phạm Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết: “Những năm qua, nghề sản xuất bánh đa nem đã tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập tương đối cao cho người dân địa phương. Thời gian tới, thực hiện phương án bảo tồn, phát triển làng nghề đã được tỉnh Hà Tĩnh công nhận, chúng tôi sẽ sắp xếp lại làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để tạo ra sản phẩm, ngành hàng có sức cạnh tranh cao trên thị trường; chú trọng xây dựng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương”.
Sản xuất bánh đa nem là nghề truyền thống gia truyền của người dân xã Thạch Hưng.
Với việc khởi động sớm vụ sản xuất năm 2024, người làm bánh đa nem xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đang gửi gắm kỳ vọng vào một năm thắng lợi, đưa làng nghề ngày càng tiến xa gắn với phát triển kinh tế -xã hội của địa phương; đồng thời lưu giữ hương vị truyền thống quê hương.