TS. Đậu Xuân Cảnh - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam gợi ý một số cách trị ho cho trẻ nhỏ theo y học cổ truyền, cha mẹ có thể tham khảo áp dụng.
TS. Đậu Xuân Cảnh.
Chanh đào mật ong
Bài thuốc này rất hữu hiệu trong việc chữa ho, khi bị ho chỉ cần ngậm 1 lát chanh đào vào buổi sáng hay trong ngày, mỗi ngày 2 đến 3 lần, hiện tượng ho sẽ đỡ, và lưu ý là phương pháp này không áp dụng cho trẻ dưới 2 tuổi, vì trẻ em dưới 2 tuổi dùng mật ong sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của các bé.
Cha mẹ nào chưa biết cách ngâm thì có thể tham khảo cách ngâm sau đây: chanh đào 1kg, mật ong 1 lít, đường phèn 0.5 kg, tốt nhất là bạn dùng mật ong rừng, hiệu quả sẽ tốt hơn.
Đầu tiên bạn mua bình thủy tinh, bạn rửa sạch chanh đào, rồi ngâm 30p mới nước muối để sạch sẽ không sợ thuốc sâu, sau đó bạn bỏ cuống, cắt lát mỏng, bạn cho chanh đào vào bình thủy tinh, cứ 1 lớp mỏng chanh đào thì bạn rắc 1 lớp đường phèn, sau đó đổ mật ong lên, và làm tuần tự như vậy cho đến khi hết chanh, hết đường phèn và hết mật ong. Trên cùng bạn dùng vỉ nén đè lên để chanh không bị mốc và không bị nổi lên, sau cùng đậy nắp thủy tinh, và để nơi thoàng mát.
Bài thuốc này dùng cho cả người già, người lớn và người trẻ em trên 2 tuổi, nên bạn hãy dự trữ một bình chanh đào ở nhà nhé! Chanh đào mật ong bảo quản được rất lâu nên bạn yên tâm không lo hỏng nhé!
Lá xương sông chữa ho cũng rất hiệu quả
Bài thuốc này rất là hiệu quả nhưng hơi khó uống và trẻ em uống thường sợ và dễ bị trớ. Bài thuốc như sau: búp non của lá xương sông bạn hấp cách thủy lên, nếu khó uống bạn có thể cho chút đường, và đạt hiệu quả tốt hơn thì bạn cho cả lá hẹ vào hấp cùng, mỗi lần uống 1 chén khoảng 100ml và ngày uống 3 lần, triệu chứng ho sẽ giảm
Theo y học cổ truyền: từ xa xưa đã có rất nhiều phương thuốc thảo dược tự nhiên để điều trị ho. Một số bài thuốc đơn giản được làm từ cây lá Hẹ, Cam hấp, hạt Chanh, quả Quất (Tắc) chưng đường phèn được sử dụng để điều trị ho rất hiệu quả.
• Cây Hẹ còn gọi là Phỉ tử, Cửu thái, Dã cửu..., tên khoa học Allium odorum L. thuộc họ Hành tỏi Liliaceae. Hẹ được trồng ở nước ta để làm rau và làm thuốc từ nhiều năm nay. Theo Đông y, Hẹ có vị cay, ngọt, tính âm có tác dụng bổ Can - Thận, làm ấm lưng gối, dùng trị tiểu lắt nhắt nhiều lần, đái són, mộng tinh. Hẹ không cay nóng quá nên trẻ em sử dụng khá an toàn.
• Quả Quất (quả Tắc) tên khoa học là Fortunella japonica (Thunb.) Swingle (Citrus japonica Thunb.), thuộc họ Cam Rutaceae. Theo quan điểm Đông y, quả Quất có vị chua, ngọt, tính bình, không độc, tác dụng làm khoan khoái, dễ chịu lồng ngực, cầm ho, mát phế, khai uất, trừ đờm. Theo dược lý y học hiện đại quả Quất chứa nhiều vitamin A, c, B1, B11 và calci, phosphor, kali, kẽm..., có tác dụng làm giảm cholesterol, bền thành mạch, có lợi cho người huyết áp cao; có tác dụng chống viêm, long đờm giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và kháng virus.
• Đường phèn theo y học cổ truyền có vị ngọt, thanh, tác dụng bổ Tỳ khí, điều hòa các vị thuốc, dẫn thuốc vào Tỳ Vị. Đường phèn được dùng làm thuốc bổ trong những tình trạng suy nhược cơ thể, ăn uống kém, đoản hơi, ngoài ra còn dùng nhiều trong bào chế thuốc.
Một số bài thuốc trị ho đơn giản từ dược liệu
Bài 1: Quả Quất, Hẹ chưng đường phèn:
Dùng 3-4 quả Quất chín, 20g Hẹ, 10g đường phèn. Quất rửa sạch, cắt ngang bỏ hạt. Cho Quất vào chén sứ, hoặc chén sành, cho đường phèn và Hẹ vào trộn chung (có thể không dùng Hẹ), chưng cách thủy khoảng 15 - 20 phút. Sau đó lấy ra dầm nhuyễn, vắt lấy nước uống, có thể pha loãng với ít nước đun sôi để nguội cho dễ uông. Mỗi ngày uống 2 lần, trong 3 - 5 ngày, có thể tới 7 ngày.
Bài 2 : Quả Quất hấp mật ong (trẻ dưới 1 tuổi dùng đường phèn thay mật ong):
Dùng 2 - 3 quả Quất rửa sạch, cho vào chén, nghiền nát, cho thêm một chút mật ong rồi đem hấp trong 15 - 20 phút, lấy ra để nguội, pha thêm một chút nước ấm (nếu cần) rồi chia uống vài lần trong ngày. Để tăng thêm công hiệu, có thể hấp Quất và mật ong cùng với hoa Hồng bạch 5g, hạt Chanh 5g hoặc lá Hẹ 5g hoặc Xuyên bối mẫu 3g tán vụn hoặc hoa Đu đủ đực 8g.
Bài 3: Hạt chanh hấp đường phèn
Dùng 10 hạt Chanh giã nhuyễn, trộn với 2 thìa cà phê đường phèn và 1 thìa nước lọc, rồi đem hấp cách thủy (hoặc hấp trong nồi cơm vừa cạn nước). Hấp cho đến khi nước sôi hoặc cơm chín là dùng được, mỗi lần uống 1 thìa cà phê, 4 – 6 lần trong ngày.
Đối với trẻ em có thể dùng giảm bớt một nửa liều lượng so với người lớn hoặc dùng nước hỗn hợp đã hấp nóng này cho bé uống mỗi lần 1 -2 thìa cà phê, bé sẽ rất nhanh giảm ho và tiêu đờm.
Cần lưu ý, người bị ho có đờm nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh, tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng, nên giữ ấm cổ, ngực. Nếu có thể nên kết hợp xông hơi nóng bằng các loại lá có tinh dầu như Bạc hà, Khuynh diệp… sẽ giúp làm loãng chất nhày, chất đờm đặc giúp khạc đờm dễ hơn. Nên nghỉ ngơi, ăn, uống các loại quả như chanh, cam giúp bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Tuy nhiên nếu tình trạng ho không bớt hoặc bệnh diễn tiến nặng cần đến những cơ sở y tế khám chuyên khoa hô hấp để có phương pháp điều trị phù hợp.