Giá trị dinh dưỡng của cá
Cá vốn là nguồn thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất. Trong đó, protein là một nguyên tố rất tốt để giúp trẻ phát triển và hỗ trợ mau lành các vết thương nếu có. Bố mẹ cho trẻ ăn cá có rất nhiều lợi ích, nhưng lựa chọn thế nào để đảm bảo an toàn và giúp trẻ hấp thu tối đa các dưỡng chất từ cá?
Có không ít loại cá phù hợp cho trẻ, chẳng hạn như cá ngần, cá tuyết, cá lù đù, cá trắm đen, cá bơn và nhiều loại cá quen thuộc, lành tính khác. Những loài này thường dễ lấy xương nên hạn chế nguy cơ trẻ bị hóc xương. Đồng thời, giá trị dinh dưỡng của chúng cũng rất cao, mùi vị thơm ngon kích thích trẻ ăn tốt hơn. Khi chế biến cá, bạn nên tránh mua cá ở những nguồn ô nhiễm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Vì sao có nhiều trẻ lại không thích ăn cá? Mẹ nên làm gì để khắc phục?
Mặc dù cá là thực phẩm ngon miệng và giàu dinh dưỡng nhưng có không ít trẻ nhỏ tỏ ra không thích món ăn này. Nếu trẻ “cự tuyệt” cá sẽ dễ dẫn đến mất cân bằng ăn uống, cản trở quá trình phát triển. Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ không ăn cá để có hướng xử lý thích hợp nhất.
Trẻ có thể không ăn được một hay một vài loại cá nào đó
Trường hợp này là trẻ vẫn ăn được cá nhưng khi gặp loại cá mà mình “dị ứng” bẩm sinh thì trẻ sẽ không tiếp nhận được. Một trong những nguyên nhân chính là loại cá đó quá nhiều xương khiến trẻ khó khăn khi ăn, thậm chí nếu trẻ từng bị hóc xương thì càng dễ sinh ra tâm lý “bài xích” với món cá đó.
Vì vậy, mẹ có thể chủ động lấy hết xương cho trẻ, đồng thời để ý và ghi nhớ xem trẻ không ăn được loại cá nào để tìm chọn loại khác thay thế bổ sung.
Tài nghệ nấu nướng của mẹ còn hạn chế
Tuy trẻ nhỏ ít khi có quá nhiều đòi hỏi về khả năng nấu nướng thức ăn của mẹ, nhưng ở một mức độ nào đó thì nếu mẹ chế biến món ăn không hợp khẩu vị trẻ quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sự thèm ăn của trẻ.
Đặc biệt, các món cá thường phải xử lý sạch trước khi nấu, nhất là mùi tanh của cá đòi hỏi mẹ phải tỉ mỉ hơn để có thể tạo ra món ngon kích thích trẻ ăn uống. Nếu chưa đủ khéo léo để làm các món cầu kỳ thì chỉ cần vài món với cá đơn giản nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ là được.
Do trẻ sợ hãi
Trẻ con thường có cái nhìn đơn thuần. Vì vậy, một số loại cá dù đã được nấu chín nhưng “dáng vẻ” của chúng với hai mắt lòi ra, cái miệng há to v.v… có thể khiến trẻ sợ hãi. Vì vậy, tốt nhất là mẹ nên cắt thành từng khúc vừa phải, nếu cần thì bỏ đầu cá đi, tạo thêm vẻ bắt mắt cho đĩa thức ăn để trẻ thích thú hơn.
Trẻ học theo thói quen của người lớn hoặc được nuông chiều quá mức
Nhiều mẹ cảm thấy nếu con không ăn cá thì cũng còn nhiều nguồn nguyên liệu khác bổ sung nên không ép con ăn. Cứ thế dần dần trẻ sẽ “dị ứng vĩnh viễn” với các món cá, sau này có muốn thay đổi cũng rất khó. Ngoài ra, nếu trong gia đình có ai đó quá kén ăn, ví dụ như không ăn cá thì trẻ có thể nhìn và học theo.
Nếu hàng xóm có những trẻ cùng trang lứa với con bạn thì mẹ có thể cho chúng cùng ngồi ăn cơm với nhau, nhất là hãy sắp xếp trẻ ngồi cạnh người bạn thích ăn cá. Bạn có thể “bày trò” cho các trẻ thi ăn cá với nhau, như vậy có thể kích thích trẻ thêm can đảm để thử món ăn mà mình chưa tiếp nhận được.