Thông thường, tất cả trẻ sơ sinh đều có làn da nhạy cảm ở mức độ nào đó. Khi còn trong tử cung, trẻ được bao quanh bởi hơi ẩm, nhưng không khí bên ngoài khô hơn nhiều. Da của trẻ sơ sinh chưa tiếp xúc tất cả yếu tố mà người lớn, và ngay cả trẻ lớn hơn, đã tiếp xúc. Bên cạnh đó, làn da ở trẻ sơ sinh vẫn đang phát triển. Các cấu trúc như tuyến bã nhờn, sản xuất dầu, tiếp tục phát triển trong nhiều năm.
Nhiều dấu hiệu ban đầu có thể biến mất sau thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số triệu chứng trên da có xu hướng trầm trọng hơn khi bé lớn lên. Khi phát hiện trẻ có những bất thường về làn da, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ để có hướng điều trị và chăm sóc phù hợp.
Da khô
Theo CNN, da khô là một trong những dấu hiệu da nhạy cảm thường gặp ở mọi người, kể cả trẻ sơ sinh. Nếu bạn đã từng bị khô da, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tránh các sản phẩm có mùi thơm nặng như xà phòng, dầu gội đầu, chất tẩy giặt chứa thuốc nhuộm và hóa chất mạnh khác.
Đó cũng là lời khuyên tốt cho trẻ sơ sinh. Cha mẹ nên lựa chọn những sản phẩm dịu nhẹ, không làm khô hoặc kích ứng da của bé. Bạn cũng nên cẩn thận với việc tắm rửa, vì điều đó cũng có thể làm khô da của bé.
Trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm thường dễ bị mẩn đỏ, phát ban. Ảnh: CNN.
Mẩn đỏ
Cũng giống khô, mẩn đỏ là dấu hiệu khá phổ biến của da nhạy cảm ở trẻ sơ sinh. Trên thực tế, da mẩn đỏ và khô thường đi đôi với nhau. Nhiều nguyên nhân có thể gây mẩn hoặc phát ban đỏ trên da của trẻ như gió, thay đổi nhiệt độ, hoặc thậm chí là ma sát từ quần áo.
Nhiệt độ cao cũng có thể gây phát ban hồng hoặc đỏ trên da trẻ sơ sinh. Bạn nên kiểm tra những thứ có thể kích ứng mẩn đỏ để tránh chúng.
Một số trẻ sơ sinh phát ban đỏ hoặc nứt nẻ quanh miệng do chảy nước dãi. Thật không may, bạn không thể làm gì để ngăn điều đó xảy ra. Tuy nhiên, để khắc phục, bạn có thể lau nước dãi thường xuyên cho bé.
Phát ban tã
Các mảng đỏ hoặc những vết lằn có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể bé, đặc biệt là khu vực quấn tã. Kích ứng da đặc biệt này gọi là phát ban tã và nó rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Nước tiểu và phân có thể gây kích ứng làn da nhạy cảm của trẻ. Vì vậy, bạn không nên để trẻ mặc tã bẩn quá lâu.
Bệnh eczema
Nhiều trẻ sơ sinh phát triển tình trạng gọi là eczema hoặc viêm da dị ứng. Bệnh khiến da bé bị phát ban, mẩn đỏ, chảy nước và đau đớn.
Ở trẻ sơ sinh, bệnh eczema có xu hướng xuất hiện trên da đầu và mặt. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục phát triển khi bé lớn hơn, nó có thể lan ra các vùng như khuỷu tay hoặc đầu gối.
Da khô, đổ mồ hôi và các chất gây kích ứng mạnh đều có thể làm bùng phát viêm da dị ứng. Cha mẹ nên theo dõi tình trạng bệnh của trẻ cẩn thận. Nếu bệnh có xu hướng nặng hơn, bạn cần đưa bé tới bệnh viện để điều trị kịp thời.
Nổi mề đay
Mề đay dạng sẩn là tên gọi của tình trạng mụn đỏ, ngứa phát triển do phản ứng với vết côn trùng đốt. Bé có thể phát triển một hoặc một số vết sưng ngứa hoặc mụn nước. Không chỉ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng dễ bị tình trạng này khoảng một vài năm trước khi lớn hơn.
Da nhạy cảm rất dễ bị dị ứng với sản phẩm chứa hóa chất mạnh. Ảnh: CNN.
Làm gì khi bé có làn da nhạy cảm?
Cẩn thận khi tắm: Khi trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm, cha mẹ không nên cho bé tắm gội quá lâu, chỉ cần 10 phút là đủ. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo nước ấm nhưng không quá nóng. Nước nóng có thể gây khô và làm bỏng làn da mỏng manh của bé.
Bạn không nên sử dụng xà phòng vì sản phẩm này thường chứa hóa chất mạnh, gây kích ứng da nhạy cảm. Thay vào đó, bạn hãy sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không mùi.
Dưỡng ẩm: Cha mẹ nên dự trữ các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ cho làn da mỏng mạnh của bé. Một trong những thời điểm tốt nhất để dưỡng ẩm da cho trẻ là ngay sau khi tắm. Dùng khăn mềm thấm khô da cẩn thận, sau đó thoa kem dưỡng ẩm không mùi nhẹ nhàng lên khắp cơ thể khi da còn hơi ẩm.
Thay tã thường xuyên: Tã, bỉm trẻ em có khả năng thấm hút rất tốt. Tuy nhiên, nước tiểu và phân vẫn có thể gây kích ứng da của bé. Bạn nên thay tã cho trẻ mỗi khi tã bị ướt hoặc bẩn để giữ da luôn sạch sẽ và khô thoáng.
Nhiều chuyên gia cũng khuyên bạn thoa lớp kem bảo vệ sau mỗi lần thay tã để tránh bị hăm, gây đau đớn cho trẻ. Nếu có thể, bạn nên hạn chế mặc bỉm cho trẻ để da khô và dễ thở. Điều này giúp ngăn ngừa phát ban.
Chọn quần áo phù hợp với thời tiết: Trời nóng có thể gây phát ban trên da của trẻ. Trong khi đó, gió và nhiệt độ lạnh gây nẻ và kích ứng da nhạy cảm. Cha mẹ cần theo dõi thời tiết bên ngoài và nhiệt độ bên trong phòng để có thể bảo vệ da bé. Khi mặc quần áo cho trẻ, bạn nên chọn loại vải cotton mềm mại để da khô thoáng, tránh các tác nhân gây hại.