1. Không cố trở thành “quan tòa” mọi lúc
Việc nàng dâu có những cuộc tranh luận với chồng là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Thậm chí tranh luận giữa họ có thể dẫn tới cãi vã, căng thẳng. Song mẹ chồng nên để nàng dâu tự tìm cách giải quyết mâu thuẫn với “nửa kia” của mình. Bởi nếu mẹ chồng luôn cố gắng trở thành “quan tòa” giải quyết mọi chuyện, rất có thể càng khiến mâu thuẫn giữa con dâu và con trai thêm căng thẳng.
2. Không bảo thủ, cố chấp
Mẹ chồng không nên kiểm soát tất cả mọi hoạt động của gia đình, đưa ra ý kiến và bắt nàng dâu phải hoàn toàn nghe theo. Để đưa ra quyết định cuối cùng cho những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, mẹ chồng cũng nên lắng nghe ý kiến, mong muốn của nàng dâu. Mẹ chồng hãy để nàng dâu làm theo những quyết định của mình một cách tự nguyện, thoải mái nhất thay vì làm với tư tưởng đối phó.
3. Không soi mói
Người mẹ thường muốn thể hiện sự quan tâm tới cuộc sống sinh hoạt của con trai mình mà trở nên soi mói nàng dâu. Sự quan tâm của người mẹ dành cho con là đúng nhưng nên thể hiện theo cách tích cực. Mẹ chồng nên góp ý, khuyên bảo nàng dâu những điều chưa hợp ý thay vì thường xuyên xét nét từng hành động, thái độ, moi móc những sai sót của nàng dâu để phê bình, trách móc.
4. Không phân biệt đối xử
Đơn giản như việc khi mua sắm bất cứ thứ gì cho gia đình, mẹ chồng nên nghĩ tới cả nàng dâu của mình. Không nên chỉ quan tâm tới mục đích sử dụng của con trai hay các cháu mà thôi. Mẹ chồng không nên tạo khoảng cách khi thể hiện sự quan tâm của mình khiến nàng dâu có cảm giác họ giống như người ngoài.
5. Không nên xem con trai là người hoàn hảo nhất
Thường suy nghĩ con trai là tốt nhất, là hoàn hảo nhất nên mẹ chồng hay có tâm lý cho rằng nàng dâu may mắn khi lấy được con trai mình. Bởi thế với bất cứ việc gì không hoàn thành, không thành công, mẹ chồng đều dễ dàng đổ lỗi cho nàng dâu. Không ai là hoàn hảo cả, bởi thế mẹ chồng nên thay đổi suy nghĩ để có thể hiểu hơn nàng dâu của mình.
6. Không xâm phạm không gian riêng tư
Nhiều mẹ chồng luôn nghĩ rằng họ có quyền lớn nhất trong ngôi nhà của mình. Bởi thế họ không cần phải hỏi ý kiến ai khi thực hiện một việc làm nào đó. Song có những khoảng không gian riêng tư của nàng dâu mà mẹ chồng nên tôn trọng. Đơn giản như việc mẹ chồng không nên tự ý kiểm tra, sắp xếp đồ đạc trong phòng con dâu theo ý mình. Hoặc mẹ chồng không nên ra vào, thu dọn phòng ốc của nàng dâu thoải mái như không gian của chính mình. Điều này sẽ khiến nàng dâu cảm thấy khó chịu và ngột ngạt.
7. Không bình phẩm, đòi hỏi quá cao
Mẹ chồng nên nhìn vào những điểm tích cực trong sự cố gắng của nàng dâu thay vì chỉ bình phẩm những nhược điểm của họ. Hãy động viên, hướng dẫn để nàng dâu phát huy ưu điểm của họ. Mẹ chồng cũng không nên đòi hỏi quá cao ở nàng dâu để rồi cố gắng muốn họ trở thành “bản sao” của mình. Sự đòi hỏi của mẹ chồng sẽ làm nảy sinh những so sánh không cần thiết và gây áp lực, khó chịu với nàng dâu. Mẹ chồng nên khuyến khích, động viên để nàng dâu có thể phát huy tốt những khả năng, sở trường riêng của họ.
8. Không bắt con trai phải chọn lựa
Khi xảy ra mâu thuẫn với nàng dâu, nhiều mẹ chồng thường muốn mình là người duy nhất đúng trong mọi chuyện. Bởi thế người mẹ càng muốn con trai nghe lời và đứng về phía mình. Thế nhưng, việc đặt con trai vào tình thế phải lựa chọn giữa một bên là mẹ, một bên là vợ chỉ càng khiến mâu thuẫn gia đình tăng thêm. Thay vì bắt con trai phải khó xử, mẹ chồng nên rộng lượng và là người chủ động hóa giải mâu thuẫn với nàng dâu.