Hương vị quê nhà - dẻo thơm món bánh vo
Bánh vo là thức quà xuất hiện từ rất lâu đời ở khắp các vùng quê ở huyện Cẩm Xuyên. Món bánh được làm từ bột gạo trắng dân dã, mộc mạc, thấm đượm hồn quê này đã gắn bó với nhiều người dân nơi đây. Gạo phải được ngâm từ đêm hôm trước rồi xay mịn, sau đó quấy liên tục để bột dẻo, quánh, mịn.
Có đến hơn 30 năm làm bánh Vo, bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi, thôn 5, xã Cẩm Thăng) chia sẻ: Món bánh vo tuy đơn giản, dễ làm nhưng cũng mất 4 tiếng cho tất cả các công đoạn.
Nếu giáo bột là công đoạn khó nhất vì đòi hỏi người làm bánh phải đánh đều tay, bột được đều, sánh và không bị cháy, thì vắt bánh lại là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo. Mẻ bột sau khi để nguội sẽ được vắt tròn, tạo nên những chiếc bánh nhỏ nhắn, có màu trắng tinh của bột.
Bánh sau khi được vắt xong sẽ được cho vào nồi để hấp, thời gian hấp mỗi mẻ bánh từ 30-45 phút. Muốn bánh được chín đều, giữ được mùi thơm của gạo, người làm bánh phải cho đều lửa để bánh không bị chín quá. Như vậy sẽ giữ được mùi thơm của gạo quê đặc trưng vùng đất Cẩm Xuyên.
Để có thể hấp chín những chiếc bánh, những người làm bánh vo như bà Vân phải dùng chiếc nồi cỡ lớn mới có thể đựng hết được. Công đoạn này yêu cầu lửa phải to, vì vậy người nấu cũng phải theo dõi thường xuyên để tránh bánh bị cháy.
Gia vị đi kèm với bánh vo thường được sử dụng gồm bột canh, hành lá, mỡ lợn (dùng mỡ lợn sẽ có mùi thơm hơn, béo hơn). Sau khi bánh chín nóng, người ta sẽ dùng hành lá rắc lên những chiếc bánh để tạo hương vị thơm ngon, không có cảm giác ngấy của bột và thêm nữa là màu xanh của hành lá sẽ làm nên nét hấp dẫn cho từng chiếc bánh
Người ta khoái ăn bánh vo với bát nước mắm đủ vị. Ăn miếng bánh mềm dẻo, người ta cảm nhận được hương vị thân quen của bột gạo ngon, vị thơm, bùi của gia vị.
Món quà quê này thường được bán ở các chợ quê của Cẩm Xuyên như chợ Trường (xã Cẩm Thăng), chợ Gon (xã Cẩm Phúc), chợ Gọ (xã Cẩm Nam) với giá 10 chiếc/ 5.000 đồng. Bình dị, dân dã lại thơm ngon, bổ dưỡng, những chiếc bánh vo đã trở thành một phần ấu thơ của nhiều đứa trẻ sống tại mảnh đất này.
Bên những chiếc bánh vo, mỗi người trong gia đình, trong thôn xóm thật đầm ấm tình thân trong những câu chuyện làm ăn, chuyện gia đình, trồng trọt. “Nhiều khi chúng tôi ăn bánh vo thay cơm, không đòi hỏi phải có nhiều thức ăn mà cũng ngon, no bụng, rẻ tiền. Chả thế mà nhiều khi đi đâu xa quê, thứ quà bánh khiến lòng day dứt muốn về chỉ có thể là món bánh vo này mà thôi” - chị Đặng Nguyệt Nga (xã Cẩm Thăng) chia sẻ.