Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết tiết canh là dùng máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể diệt hết các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh.
"Ăn tiết canh từ con vật bệnh bạn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể chết người", phó giáo sư Thịnh nhấn mạnh.
Tiết canh dễ gây bệnh cho người ăn. Ảnh: seriousfacts.com
Căn bệnh đầu tiên dễ mắc nhất khi ăn tiết canh là nhiễm ký sinh trùng như sán dây, sán não, giun sán... Trứng giun sán vào trong cơ thể phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như con lợn gạo. Ấu trùng sán chui lên não làm tổ, khiến người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Vũ Huy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhiễm ký sinh trùng thường không có biểu hiện rõ ràng như các bệnh cấp tính cần đến ngay bệnh viện cấp cứu. Song, bệnh để lâu dài có thể dẫn đến còi cọc, chậm lớn ở trẻ em. Thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi... và suy nhược ở người cao tuổi. Ở thể nặng hơn, ấu trùng luân chuyển trong máu có thể làm giảm thị lực, co giật. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Ăn tiết canh còn dẫn đến nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp dẫn đến tiêu chảy cấp do ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu.
Một số trường hợp khác nhiễm liên cầu lợn (Streptococus suis) dẫn đến viêm màng não, hoại tử da, suy đa tạng... biểu hiện như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Người bệnh bị nhiễm độc tố nặng có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Hình ảnh X-quang nhiều ổ sán trên não người đàn ông ở Nghệ An.
Nhóm dễ mắc bệnh là người ăn trực tiếp, người chế biến. Những người chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu con vật có bệnh có thể bị lây nhiễm qua các vết thương, vết xước ở da.
Bác sĩ Trần Trung Cấp, khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết mỗi năm khoa tiếp nhận 30-100 ca cấp cứu do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. Gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh. Bác sĩ khẳng định không chỉ lợn bệnh mà ngay cả con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa khuẩn liên cầu. Tiếp xúc với máu của động vật nhiễm liên cầu lợn qua vết xây xát trên tay chân, người khỏe mạnh cũng có thể nhiễm bệnh.
Hai thể thường gặp ở bệnh nhân cầu lợn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Thời gian ủ bệnh khoảng vài ngày. Bệnh nhân thể viêm màng não mủ sẽ bị sốt, đau đầu, buồn nôn, hôn mê co giật. Ở thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân sốt, sốc, nếu không xử trí kịp thời có nguy cơ suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu. Khi sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở, nghi ngờ đã bị nhiễm liên cầu và nên đến bệnh viện sớm.
Để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.