Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc tấn công thực phẩm làm giảm giá trị dinh dưỡng, dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa, ngộ độc... gây nguy hại cho sức khỏe.
Hầu hết các loại nấm mốc đều chứa chất aflatoxin, chất cực độc đối với sức khỏe con người. Nấm mốc phát triển trên rau củ quả, gạo đỗ, lạc... làm biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, dinh dưỡng. Nấm mốc, vi khuẩn các loại nhanh chóng làm thối rữa hoa quả, rau, hạt ngũ cốc. Ngoài ra, độc tố aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan.
Theo Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ, độc tố Aflatoxin rất bền với nhiệt. Trong các loại lương thực thực phẩm như lạc, ngô, hạt sen... lạc có tỷ lệ mốc và chứa chất độc này cao nhất. Khi rang lạc mốc dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt nhưng độc tố của chúng không bị phá hủy hoàn toàn.
"Do đó, vệ sinh an toàn thực phẩm mùa nồm phải bắt đầu từ khâu bảo quản, chế biến đến cả những vật dụng nấu nướng hàng ngày", bác sĩ nói.
Bảo quản tốt thực phẩm trong thời tiết nồm là cách bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Ảnh: Zenhealth
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Thực phẩm mua về nên sơ chế làm sạch, bọc chúng vào các túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy nắp kín. Sau đó, cất thực phẩm vào ngăn đông hoặc ngăn mát tủ lạnh. Thức ăn thừa khi bảo quản trong tủ lạnh cũng cần bọc bao nilon để không gây mùi sang đồ dùng khác trong tủ.
Nên phân loại các thực phẩm vào tủ lạnh một cách khoa học. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã chế biến, không rã đông thực phẩm quá nhiều lần.
Ngoài ra, phải chú ý vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để vi khuẩn không bị tích tụ, khiến thức ăn nhiễm khuẩn, gây hại sức khỏe.
Không để đồ ăn qua đêm
Tuyệt đối không để thức ăn qua đêm. Đối với đồ ăn mua sẵn nên ăn sau khi mua.Thức ăn đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh từ 1-2 ngày. Các loại rau, củ, quả nên dùng khi còn tươi, hạn chế để trong tủ lạnh quá lâu ngày.
Hạn chế để đồ ăn dự trữ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm được sử dụng tốt nhất khi chúng tươi sống. Sau một thời gian bảo quản, chúng cũng mất đi ít nhiều các chất dinh dưỡng. Thêm vào đó, khi độ ẩm quá cao, các bào tử nấm mốc và vi khuẩn trong không khí phát triển mạnh. Do vậy, trong thời tiết nồm ẩm, nên hạn chế tối đa việc dự trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh.
Vệ sinh dụng cụ làm bếp
Bát đũa sau khi rửa nên trải đều cho mau khô, hạn chế dùng dụng cụ bằng gỗ. Tráng thớt, bát, đũa bằng nước nóng để diệt vi khuẩn, nấm mốc. Tuyệt đối không dùng chung thớt để thái thức ăn sống với thức ăn chín.
Để thực phẩm ở nơi thoáng mát
Một trong những cách giúp bảo quản hiệu quả thực phẩm khi trời nồm ẩm là để thực phẩm ở kệ cao, đựng trong các hộp bằng thủy tinh, đậy nắp kín, tránh không khí tiếp xúc với thực phẩm. Nên đặt thực phẩm ở chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu vào để hạn chế tối đa sự sinh trưởng và phát triển của nấm mốc.
Sử dụng máy hút ẩm
Sử dụng máy hút ẩm để đảm bảo ngôi nhà luôn khô ráo, tránh nấm mốc hay vi khuẩn vào những ngày trời nồm ẩm. Ngoài ra, bạn có thể dùng chất hút ẩm để loại bỏ không khí ẩm, nơi hay để thực phẩm để chống sự xâm nhập của nấm mốc.