Chung một đường…
Năm 2008, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Á (Công ty Đông Á), có địa chỉ tại xóm 1, xã Cẩm Hưng được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (đất san lấp) tại đồi Động Choác, xã Cẩm Hưng. Do không có điều kiện để làm mới đường công vụ nên công ty đã phải sử dụng đường dân sinh để vận chuyển khoáng sản sau khai thác. Đây là đường đất biên hòa nối từ QL 1A lên đồi Động Choác đi qua thôn Hưng Tiến có tổng chiều dài gần 2,5 km, do người dân địa phương xây dựng từ trước.
Ngày 10/10/2008, ông Nguyễn Huy Hiệu - Giám đốc công ty đã ký hợp đồng với đại diện thôn Hưng Tiến để được “mượn” đường vận chuyển. Theo đó, Công ty Đông Á được quyền sử dụng tuyến đường này để vận hành xe máy, khai thác, vận chuyển khoáng sản đến hết tháng 10/2016. Đổi lại, công ty chịu trách nhiệm đầu tư làm đường nhựa để thuận lợi cho việc đi lại, đảm bảo đúng thời gian lưu thông, có phương án bảo vệ môi trường. Đồng thời, ông Hiệu cũng cam kết mỗi năm hỗ trợ thôn 20 triệu đồng.
Con đường chạy qua thôn Hưng Tiến xuống cấp nghiêm trọng
Những năm đầu làm ăn phát đạt, ông Hiệu thực hiện đầy đủ các cam kết. DN cũng đã đầu tư kinh phí đổ nhựa một đoạn đường đi qua khu dân cư có chiều dài gần 500m. Còn với người dân thôn Hưng Tiến, bất chấp những khó khăn, bất tiện, mất an toàn và vệ sinh môi trường, họ vẫn bằng lòng với việc “đi chung một đường”.
Đến tháng 4/2014, mỏ hết hạn cấp phép. Thế nhưng, công ty vẫn tiếp tục khai thác trái phép và vẫn sử dụng con đường dân sinh này để vận chuyển khoáng sản. Việc làm này của DN đã bị UBND xã và các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý, đình chỉ khai thác.
… hai “lối rẽ”
Đầu năm 2015, Công ty Đông Á tiếp tục được UBND tỉnh gia hạn cấp phép và tiếp tục khai thác, vận chuyển đất đá tại đồi Động Choác. Tuy nhiên, thời điểm này, hoạt động SXKD bắt đầu gặp khó khăn, sản phẩm khai thác xong không tìm được nơi tiêu thụ. Vì thế, việc “chăm sóc” tuyến đường cũng như thực hiện các cam kết đã không được DN thực hiện. Tuyến đường không được duy tu bảo dưỡng, đầu tư nâng cấp nên xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc lưu thông. Cùng với đó, công ty không thực hiện việc xử lý môi trường nên người dân địa phương hết sức bức xúc.
Đến tháng 10/2016, hợp đồng “mượn” đường hết hạn. Đại diện Ban Cán sự thôn Hưng Tiến đã nhiều lần mời Công ty Đông Á đến làm việc để thanh lý hợp đồng và bàn biện pháp tiếp theo nhưng DN đã không hợp tác, không bàn bạc, vẫn tiếp tục vận chuyển đất đá trên tuyến đường này.
Bức xúc lên đến đỉnh điểm, người dân đã “xuống đường” chặn xe, không cho DN khai thác, vận chuyển đất đá. Mâu thuẫn được đẩy lên cao, đỉnh điểm là trưa ngày 19/3/2017, khi Công ty Đông Á cho xe vào vận chuyển đất đá, người dân ra ngăn cản và hai bên xảy ra xô xát.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Tiến Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Vụ xô xát đã làm bà Nguyễn Thị Liên bị vết thương sâu ở cổ tay trái, phải đến Trạm Y tế xã khâu 11 mũi”.
Ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết: “Vụ xô xát xảy ra, hiện tại đang được Công an xã và Công an huyện xác minh, làm rõ. Nguyên nhân là do DN không thực hiện đầy đủ các cam kết, quá trình sử dụng không đầu tư để đường xuống cấp khiến người dân bức xúc. UBND huyện, UBND xã và Công ty
Đông Á cũng đã bàn biện pháp giải quyết theo hướng: huyện bỏ ra một phần kinh phí, xã hỗ trợ vật liệu, ngày công và DN tổ chức thi công để làm lại tuyến đường này phục vụ dân sinh nhưng phía DN không đồng ý, không hợp tác”.
Có thể thấy rằng, những mâu thuẫn xảy ra bắt nguồn từ sự thiếu thiện chí hợp tác, không thực hiện đầy đủ cam kết của Công ty Đông Á. Việc người dân ra chặn đường, xô xát không chỉ cản trở, làm đình trệ hoạt động SXKD của DN mà còn gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị cơ sở. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp, ngành, chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, hóa giải mâu thuẫn của người dân và DN để ổn định tình hình, bảo đảm cho hoạt động SXKD của DN cũng như đời sống dân sinh.