Gần 100 giám đốc HTX, DN tư nhân tham gia tập huấn kiến thức xây dựng, phát triển OCOP
Theo đó, chương trình tập huấn, hướng dẫn lập phương án kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP do Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh tổ chức sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 11 - 13/6).
Đây là một trong những nội dung của đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành tháng 11/2018, trên quan điểm người dân là chủ thể của quá trình thực hiện, thông qua HTX, DN vừa và nhỏ làm nền tảng tổ chức sản xuất...
Tại lớp tập huấn, các giám đốc HTX, DN tư nhân được giảng viên hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về: Lập phương án kinh doanh, sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm, quản trị doanh nghiệp.
Qua lớp tập huấn, các chủ cơ sở sản xuất, giám đốc HTX đã hiểu được ý nghĩa và vai trò của phương án sản xuất kinh doanh; biết cách soạn thảo và trình bày phương án SXKD; vấn đề marketing tiêu thụ sản phẩm và phương pháp quản lý, điều hành HTX, DN…
Sản xuất nước mắm tại HTX Chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) - sản phẩm điểm tham gia OCOP 2019 của tỉnh Hà Tĩnh
Thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng đề án OCOP. Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện đề án giai đoạn 2018 - 2020 là 483,862 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước: 105,982 tỷ đồng (năm 2018: 4,109 tỷ đồng; năm 2019: 44,818 tỷ đồng; năm 2020: 57,055 tỷ đồng); vốn DN, cơ sở sản xuất và xã hội hóa: 377,88 tỷ đồng.
Theo đề án, năm 2019, Hà Tĩnh có ít nhất 70 sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình OCOP; có tối thiểu 25 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP (trong đó hoàn thiện và chuẩn hóa tối thiểu 20 sản phẩm, phát triển mới tối thiểu 5 sản phẩm); có ít nhất 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.