Mặc dù đang trong giai đoạn “khởi động” nhưng việc tiêu thụ, phát triển một số sản phẩm điểm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Tĩnh (OCOP Hà Tĩnh) bước đầu đã cho thấy những tín hiệu khả quan.
Sau khi được lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu, bao bì, nhãn mác, sản phẩm cu đơ Phong Nga đã tiêu thụ tăng 10 - 25%.
Cu đơ Phong Nga (Thạch Hà) là 1 trong 6 sản phẩm được Ban Chỉ đạo đề án OCOP Hà Tĩnh lựa chọn xây dựng sản phẩm điểm. Theo đó, khi được chọn làm sản phẩm điểm của tỉnh, cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga đã được hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, xây dựng chất lượng sản phẩm, quảng bá xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
“Cu đơ Phong Nga là cơ sở sản xuất kẹo cu đơ truyền thống của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc phát triển, xây dựng thương hiệu rộng khắp trên cả nước còn hạn chế. Năm 2018, sau khi được tỉnh lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu, bao bì, nhãn mác, sản phẩm đã tiêu thụ tăng 10%, cá biệt có sản phẩm tăng 25%”, ông Nguyễn Văn Phong - chủ cơ sở Cu đơ Phong Nga cho biết.
Nước mắm Phú Khương được lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP
Cùng với cu đơ Phong Nga, 5 sản phẩm điểm OCOP còn lại là: Nước mắm Phú Khương, nem chua Ý Bình, bánh đa nem Thuận Kỷ, nước mắm Lạch Kèn, cam Khe Mây cũng đạt được kết quả tăng trưởng từ 10 - 25% so với trước khi tham gia OCOP.
Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) Lê Thị Khương chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi đã sản xuất ra sản phẩm rất chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Sau khi tham gia OCOP, nước mắm Phú Khương được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác; đặc biệt là được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm đã được tiếp thị đến người tiêu dùng nhiều hơn, sản lượng tiêu thụ tăng cao”.
Sản phẩm nem chua Ý Bình (Hương Sơn) - 1 trong 6 sản phẩm OCOP điểm của Hà Tĩnh đã có mặt tại nhiều siêu thị.
Theo ông Nguyễn Văn Dực – thành viên Ban Chỉ đạo đề án OCOP, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh triển khai, phê duyệt chương trình OCOP khá sớm (tháng 11/2018 –P.V). Theo Đề án OCOP Hà Tĩnh, những sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP sẽ được Nhà nước hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chuẩn hóa hệ thống bao bì, quản lý chất lượng và ATTP theo chuỗi…
Cam Khe Mây đạt được kết quả tăng trưởng từ 10 - 25% so với trước khi tham gia OCOP. Ảnh P.V
“Năm 2019, Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60 sản phẩm, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP; trong đó có tối thiểu 25 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Đây là mục tiêu khá cao, đòi hỏi các cấp, ngành làm tốt vai trò tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, đây là cơ hội lớn trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng tầm thương hiệu đối với các cơ sở sản xuất. Thời cơ trong kinh doanh không có nhiều, vấn đề là ai là người biết nắm lấy cơ hội này” – ông Dực cho hay.