1. Đau mạn tính là gì?
Theo Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (IASP), đau là một cảm giác khó chịu và sự chịu đựng về cảm xúc, chủ yếu đi kèm theo tổn thương thực sự hay tiềm ẩn của tổ chức hoặc mô tả như là tổn thương tổ chức.
Đau là một biểu hiện liên quan đến chấn thương nhiều bệnh lý và đây là lý do người bị đau sử dụng các thuốc thông thường, thuốc cấp cứu, thuốc điều trị khớp, thuốc điều trị thần kinh... Tuy nhiên, trong điều kiện bệnh lý, cảm giác đau kéo dài có thể dẫn đến suy nhược nghiêm trọng. Điều đặc biệt, đau mạn tính là chứng đau dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, làm cho cơ thể bị phá hủy về thể lực và tâm lý. Thông thường nhiều người bệnh đến khám thường than phiền bị đau dai dẳng kéo dài trên 3 tháng, đã điều trị mà không dứt hoặc điều trị hết ngay giai đoạn đó nhưng vẫn tái đi tái lại trong vòng 3 tháng… Như vậy, những người bệnh này đều thuộc vào nhóm đau mạn tính.
Theo các nghiên cứu, đau mạn tính ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người ở Hoa Kỳ, chiếm hơn 20% lượt khám ngoại trú và tốn kém chi phí khoảng 100 tỷ đô la mỗi năm. Trong đó, việc sử dụng và lạm dụng thuốc gây nghiện để điều trị đau mạn tính đang là một vấn đề đáng lo ngại.
Đau mạn tính luôn là một mối quan tâm hàng đầu của y tế và xã hội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và cả gia đình. Do vậy, việc đánh giá đau toàn diện là cần thiết để lập kế hoạch điều trị đạt hiệu quả cao.
Đau mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi trên 40.
2. Nguyên nhân đau mạn tính
Đau mạn tính có nhiều nguyên nhân, trong đó những bệnh đau mãn tính thường gặp như: Đau cột sống , đau khớp, đau đầu, đau sau Zona (loại bệnh đặc thù của đau mãn tính, thời gian điều trị kéo dài), đau sau tai biến (thường gặp ở bệnh viêm dính khớp)...
Đau mạn tính cũng có thể không xác định được nguyên nhân.
Theo các nhà nghiên cứu phân loại trong nhóm bệnh gây đau mạn tính, người ta chia đau mạn tính ở người bệnh ung thư , HIV/AIDS, bệnh xơ cứng teo cơ một bên, bệnh xơ cứng rải rác, giai đoạn cuối của suy tạng, bệnh phổi tắc nghẽn tiến triển, suy tim sung huyết nặng, bệnh Parkinson.
Nhóm tiếp theo là đau mạn tính ở những bệnh không ác tính như: Đau ở người bệnh mắc cơ-xương mạn (đau tủy sống hay đau lưng thấp, viêm khớp thoái hóa mạn, viêm xương - khớp, viêm khớp dạng thấp, đau cơ - mặt, đau do thấp, đau đầu mạn, đau nửa đầu, đau xương…). Đau do các nguyên nhân của bệnh thần kinh, đau sau tổn thương thần kinh và đau sau đoạn chi, bệnh thần kinh do đái tháo đường , các hội chứng đau từng vùng phức tạp (type I và type II), co thắt cơ xương, đau dây thần kinh sau mụn rộp (herpes), đau mạn sau phẫu thuật. Đau mạn tính ở các bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu hồng cầu liềm… Tuy nhiên, lưu ý rằng các loại đau này không hoàn toàn do một nguyên nhân, một cơn đau tái phát có thể có nguyên nhân do cơ xương khớp hay do đè nén, nếu có chung một cơ chế chính là chèn ép rễ thần kinh.
Đau mạn tính do nhiều nguyên nhân, người bệnh cần khám kỹ để được đánh giá toàn diện thể trạng cũng như tâm lý.
Theo các nghiên cứu, đau mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi trên 40. Tình trạng đau mạn tính ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, bao gồm các hoạt động thể lực, học hành, ngủ, các quan hệ gia đình - xã hội và có thể dẫn đến buồn phiền, trầm uất, mất ngủ , mỏi mệt, thay đổi tâm tính.
Trên thực tế, có người bệnh đau buốt khó chịu, dai đẳng, đến rất nhiều bác sĩ khám và điều trị nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Có người bị cơn đau hành hạ hơn 10 năm, phẫu thuật rất nhiều lần, tốn kém chi phí điều trị nhưng không trị dứt điểm được.
3. Khi bị đau mạn tính cần làm gì?
Đau do nhiều nguyên nhân, bởi vậy người bệnh đau mạn tính cần khám kỹ và được đánh giá toàn thiện thể trạng cũng như tâm lý. Xác định nguyên nhân gốc là yếu tố rất quan trọng trong việc điều trị. Việc điều trị tuỳ thuộc vào từng cá nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Với phương châm điều trị đa mô thức, phối hợp các chuyên khoa như răng hàm mặt, cột sống… cùng với khoa thần kinh, tâm lý, phục hồi chức năng... nhằm thực hiện điều trị tích cực bệnh lý cụ thể (cột sống, răng hàm mặt…) cùng vật lý trị liệu, tư vấn tâm lý… Bởi vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc giảm đau hoặc các thuốc kèm theo cần dùng đúng liều lượng chỉ định, người bệnh không tự ý thay đổi hoặc bỏ thuốc.
Tình trạng đau mạn tính ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và luôn là mối quan tâm hàng đầu của y tế và xã hội.
Ngoài ra, người bệnh đau mạn tính cần thay đổi lối sống để giảm đau hiệu quả bằng cách tập luyện yoga, thiền, tập một môn nghệ thuật và âm nhạc trị liệu, bơi, tập dưỡng sinh…
Hằng ngày cần ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, chú trọng nhiều hơn đến cơ thể và hình thức. Giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm căng thẳng.
Một điểm chú ý, việc giảm đau tốt hơn nữa là cần hỗ trợ từ bạn bè, người thân… Chính vì vậy, hãy chia sẻ cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ của những người thân quanh mình.