Công nghệ mới đã giúp các cơ sở sản xuất nước mắm nâng cao chất lượng và tăng quy mô sản xuất.
Nghề sản xuất nước mắm tại Hà Tĩnh đã có từ lâu đời với các phương pháp thủ công; mặc dù có chất lượng cao, song không có sự ổn định, phụ thuộc vào thời tiết và quy mô nhỏ lẻ, sản lượng thấp.
Những “thương hiệu” non trẻ của nông nghiệp Hà Tĩnh đã bắt đầu có chỗ đứng trên hệ thống bán lẻ.
Nhằm khắc phục những hạn chế đó, ngành KH&CN Hà Tĩnh đã trực tiếp đến các cơ sở sản xuất chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời. Kết quả không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm công sức mà còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, cao gấp nhiều lần trước đây.
Nước mắm Nhất Ninh (thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh) hiện nay có quy mô sản xuất hơn 50.000 lít/năm.
Bà Nguyễn Thị Ninh (thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh) chia sẻ: "Nghề nước mắm của chúng tôi đã có lịch sử hơn 100 năm với nhiều thế hệ lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của gia đình không lớn, sản phẩm chỉ phân phối trong địa bàn nhỏ và với những khách hàng thân thiết. Phải đến năm 2017, khi chúng tôi tiếp cận với công nghệ năng lượng mặt trời thì sản lượng, chất lượng nước mắm mới được tăng lên.
Phát triển từng ngày, đến nay, xưởng sản xuất có sản lượng hơn 50.000 lít/năm. Hơn thế, gần đây, với sự giúp sức của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh trong xây dựng sản phẩm OCOP, chúng tôi đầu tư thực hiện đa dạng hóa kích cỡ sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, đăng ký nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch, mã QR, nhằm xây dựng thương hiệu “Nước mắm Nhất Ninh”, hướng tới mở rộng thị trường sản phẩm".
“Nhất Ninh” nay đã có nhãn hiệu riêng và được ngành KH&CN hỗ trợ phát triển thương hiệu, sở hữu trí tuệ.
Năm 2015, HTX dịch vụ hậu cần nghề cá Mạnh Cường (thôn Hải Hà, Xã Kỳ Hà, TX. Kỳ Anh) được thành lập. Ban đầu, thương hiệu nước mắm “Bà Thinh” của HTX được người dân biết đến qua truyền miệng. Nước mắm được bán lẻ theo từng can 20 lít, 30 lít và chủ yếu là bán cho người dân trong thôn và không có nhãn hiệu.
Năm 2018, HTX được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh chuyển giao công nghệ chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời kết hợp bể ổn nhiệt, gia nhiệt bổ sung và hệ thống náo đảo tự động. Nhờ đó, từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, sản lượng hàng năm của HTX đạt trên 60.000 lít nước mắm các loại, lợi nhuận hàng năm đạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Thinh - Giám đốc HTX cho hay: “Hiện tại, đơn vị đã đăng ký nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch, cải tiến mẫu mã, bao bì và tạo nên nhãn hiệu “Nước mắm Bà Thinh”. Với công nghệ mới, chúng tôi đang xin hỗ trợ quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất lên gấp 10 lần hiện tại, xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương và hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài”.
Bên cạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh còn cầm tay chỉ việc các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm tiếp cận thị trường.
Bà Dương Thị Ngân - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Hà Tĩnh) cho biết, việc ứng dụng công nghệ năng lương mặt trời kết hợp náo đảo tự động nhằm hạn chế được những yếu tố bất lợi của thời tiết (mưa lạnh và khô nóng) tăng hiệu quả và chất lượng của nước mắm, góp phần phát triển nghề chế biến nước mắm, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Hiệu quả của công nghệ này đã được khẳng định bằng thực tế sản xuất tại địa phương trong thời gian qua.
Bước đầu, người tiêu dùng đã bắt đầu đón nhận sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh.
Ngoài 2 thương hiệu “Nhất Ninh”, “Bà Thinh”, chúng tôi đang hỗ trợ công nghệ và xây dựng thương hiệu “Nước mắm Bà Lý” cho HTX thu mua, chế biến thủy sản Trung Tiến (xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) và xây dựng những thương hiệu này trở thành sản phẩm OCOP.
“Ngoài việc hỗ trợ công nghệ, thương hiệu, tem nhãn…, chúng tôi còn nỗ lực hướng dẫn người sản xuất cách tiếp cận thị trường, tiếp thị sản phẩm. Trước mắt, phấn đấu các sản phẩm của địa phương sẽ “chen chân” vào các hệ thống siêu thị lớn; xa hơn, chúng tôi mong muốn những đặc sản địa phương với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ vươn ra thị trường thế giới”, bà Ngân cho biết thêm.