Sau khi chia tay người yêu cũ, em vội đồng ý yêu anh chủ hiệu cầm đồ hơn em bảy tuổi. Lúc đó em cũng đã hai mươi tám tuổi, ở quê em tuổi đó là đã ế lắm rồi. Người cần lấy vợ, người muốn lấy chồng nên cả hai nhanh chóng đi đến kết hôn.
Em lấy chồng khi chưa hiểu rõ về người em sẽ lấy, chỉ thấy anh ta có vẻ hiền lành, lại ăn nói khéo nên rất được lòng bố mẹ em.
Thời gian đầu, khi công việc kinh doanh ở hiệu cầm đồ còn thuận lợi thì vợ chồng em khá hạnh phúc. Bé Nhím ra đời làm cho mối liên kết giữa hai vợ chồng tưởng như sẽ chặt chẽ hơn. Nhưng rồi đời không như mơ, kinh tế ngày càng khó khăn, công việc kinh doanh của hiệu cầm đồ cũng không còn thuận lợi nữa.
Vì tin chồng, em đã cầm cố cả ngôi nhà của bố mẹ em để vay tiền ngân hàng cho chồng có vốn tiếp tục làm ăn. Thậm chí, vì để giảm gánh nặng kinh tế cho chồng, em phải dằn nỗi nhớ con gái vào lòng để đưa con về quê cho mẹ em chăm sóc.
Tiền chồng kiếm được ngày càng ít, tiền lương em làm ra giờ là nguồn kinh tế chính trong nhà. Giữa lúc đang khó khăn, một ngày chồng em trở về nhà và thông báo với em rằng đã phá sản, hoàn toàn trắng tay cùng món nợ hai tỷ đồng. Em nghe tin mà sốc đến ngất xỉu. Anh ta chưa bao giờ kể cho em biết về số tiền vay nợ lớn đó.
Vợ chồng em đang phải ở nhà thuê, tài sản không có gì đáng giá, tiền tiết kiệm lại không có vì đã đổ hết vào vốn hiệu cầm đồ, biết lấy gì trả nợ, đã thế tiền vay ngân hàng vì cầm cố nhà của bố mẹ em cũng chưa trả hết. Em nói lúc đó em chỉ muốn chết đi vì bế tắc, nhưng vì con gái nên em phải gắng gượng đứng lên.
Em động viên chồng cố gắng làm việc trả nợ, có hai vợ chồng đồng lòng thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. Nhưng không, từ ngày bị phá sản, chồng em chỉ suốt ngày ở nhà chơi không chịu làm gì, để mặc vợ điên cuồng làm việc kiếm tiền nuôi sống hai vợ chồng và trả nợ dần.
Được một thời gian ăn chơi ở nhà, chồng em nói muốn vào Sài Gòn kiếm việc làm lấy tiền trả nợ. Em mừng lắm, em nhờ người cậu trong Sài Gòn giúp đỡ kiếm việc cho chồng và cho chồng em ăn ở nhờ. Tưởng chồng đã tu chí làm ăn, nhưng vào đó anh ta vẫn chứng nào tật đấy, suốt ngày chỉ ăn chơi, giới thiệu công việc cho anh ta, có công việc anh ta nói không hợp, việc khác anh ta chê vất vả không làm được.
Trong khi đó ngoài Hà Nội em trở thành đối tượng để những con nợ của chồng đến đòi tiền, không trả thì chúng nhắn tin khủng bố. Em đi ra ngoài mà lúc nào cũng bất an, lo sợ. Ở nhà cũng trốn chui trốn lủi. Em phải rủ hai cô bé cùng công ty đến ở cùng để đỡ tiền thuê nhà và để những lúc có chủ nợ đến tìm các cô ấy nói giúp rằng em đã chuyển đi nơi khác.
Đã thế, nhà bên chồng cũng chẳng giúp được gì cho em, thậm chí chị dâu cả vì cho chồng em vay mấy chục triệu nên giờ cũng suốt ngày gọi điện cho em đòi được trả trước. Mọi khó khăn dồn lên đôi vai bé nhỏ của em khiến em gầy rộc, sút gần chục cân, vốn đã gầy nay nhìn em chỉ như còn da bọc xương.
Lúc gặp tôi, em vừa hoàn thành xong thủ tục ly dị. Em nói em đã quá mệt mỏi trong cuộc hôn nhân chỉ có mình em cố gắng. Tuy thương con gái giờ không còn được sống cùng cả cha và mẹ nhưng em tin em đã quyết định đúng và khi lớn lên con gái sẽ hiểu cho em.
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng “đừng vội vã lấy chồng, đừng vì sợ cô đơn mà vội nắm tay một ai đó, thà ế chồng cũng còn hơn là lấy phải người chồng không ra gì rồi lại ly hôn”. Có lẽ sau lần vấp ngã này em sẽ chín chắn hơn, mạnh mẽ hơn và tôi tin rồi sẽ có người mang lại cho em hạnh phúc.