Video: Ông Bùi Văn Phương thừa nhận sai phạm.
Qua quá trình bám nắm và theo dõi nguồn tin từ cơ sở, ngày 19/3/2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp làm việc và lập biên bản vi phạm với ông Bùi Văn Phương (xã Thạch Thắng, Thạch Hà).
Đây là trường hợp không có chứng chỉ hành nghề thú y, không hiểu rõ chuyên môn về dịch bệnh viêm da nổi cục mà vẫn tham gia trực tiếp điều trị cho nhiều trâu, bò bị nhiễm bệnh ở nhiều địa phương như: Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà...
Thậm chí, người này còn dùng mạng xã hội để quảng bá cách chữa trị bệnh viêm da, nổi cục của mình với người dân, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành chuyên môn.
Ông Phương sử dụng mạng xã hội để đăng thông tin về điều trị dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò khi chưa có chứng chỉ hành nghề.
Sau khi làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tỉnh, ông Bùi Văn Phương đã thừa nhận sai phạm của mình. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y không có chứng chỉ hành nghề thú y hoặc chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực. |
Tại Can Lộc, thời gian qua, nhiều người dân đã tìm đến nhà thầy lang Trần Văn Hòe (thôn Đông Phong, xã Thượng Lộc) để bốc thuốc nam cho trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục.
Ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: "Sau khi tìm hiểu thông tin, chính quyền huyện Can Lộc đã triệu tập và yêu cầu ông Hòe ký vào biên bản cam kết chấm dứt hoạt động cắt thuốc nam khi không có chuyên môn về dịch bệnh.
Đối với trường hợp này, chúng tôi chưa tiến hành lập biên bản xử phạt vì chưa đủ căn cứ pháp lý, bởi ông Hòe không trực tiếp tham gia điều trị cho trâu, bò tại cơ sở mà chỉ thực hiện việc cắt thuốc ở nhà. Huyện sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát cá nhân này nếu làm trái với bản cam kết đã ký thì sẽ có các biện pháp xử lý tiếp theo".
Ngoài ra, huyện Can Lộc cũng đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền cụ thể hơn trên hệ thống loa phát thanh, tại các cuộc họp thôn, xã... để người dân nắm rõ được biện pháp xử lý theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; tuyệt đối không tự ý cắt thuốc nam hay thuê thầy lang không có chứng chỉ hành nghề về điều trị; có trách nhiệm khai báo kịp thời với chính quyền địa phương khi có gia súc nhiễm bệnh”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và các địa phương sẽ tiếp tục giám sát để nắm thông tin của các đối tượng không có chứng chỉ hành nghề vẫn tham gia điều trị cho trâu, bò.
Ông Lê Hà Giang - Phó phòng Quản lý chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) cho biết: "Đối với dịch bệnh viêm da nổi cục, ngành chuyên môn đã có những hướng dẫn chuyên ngành cụ thể bằng văn bản gửi về từng địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra ở cơ sở, đơn vị đã phát hiện một số trường hợp lợi dụng trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp tham gia điều trị, bán các loại vật tư thú y không đúng quy định.
Theo đó, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng, xử phạt theo quy định. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám nắm cơ sở để xử lý kịp thời các trường hợp hành nghề thú y không đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến quá trình phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục tại địa phương".
Video: Ông Lê Hà Giang thông tin về thực trạng không có chứng chỉ hành nghề thú y tham gia điều trị dịch bệnh.
Trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngành chuyên môn khuyến cáo, người chăn nuôi thực hiện theo đúng hướng dẫn cụ thể của các cấp chính quyền về phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc tốt để tăng sức đề kháng và khả năng phục hồi cho những con trâu, bò bị nhiễm bệnh bằng các loại thuốc được cấp phép và có chỉ dẫn của chuyên môn; giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y, không giấu dịch.
Đồng thời, chính quyền địa phương trong thời điểm này phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra các đối tượng hành nghề thú y trên địa bàn để có biện pháp quản lý nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả" - ông Giang cho biết thêm.
Người chăn nuôi cần thực hiện theo đúng hướng dẫn cụ thể của các cấp chính quyền về phòng, chống dịch bệnh.